Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn bị cha mẹ đánh đòn là khi nào không?

Chia sẻ của bạn Cẩm Tú sau khi tham gia lớp học Luyện Tâm Và Vận Hành Ngôn Ngữ được tổ chức tại TP.HCM ngày 5/6/2019 vừa rồi:

“Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn bị cha mẹ đánh đòn là khi nào không? Tôi vẫn nhớ. Tôi nghĩ có nhiều người trong số các bạn chưa bao giờ bị cha mẹ đánh đòn. Chúc mừng các bạn! Các bạn không chỉ là những người may mắn vì chưa bao giờ phải chịu nỗi đau thể xác (do đòn roi) mà khả năng cao các bạn đã tránh được cả những nỗi đau tinh thần của người bị cha mẹ đánh đòn. Chắc hầu hết các bạn bắt đầu hoài nghi tôi rồi, “Nỗi đau tinh thần quái gì ở đây nhỉ? Sao mà phải nghiêm trọng vậy?” 

Nhưng đợi chút, ta hãy quay trở về với câu chuyện lần đầu bị đánh đòn của tôi. Tôi nhớ hồi đó tôi 5 tuổi, tôi làm vỡ một cái ly trong bộ năm cái ly quý hiếm để uống rượu của bố tôi. Ông nọc tôi ra vụt cho mấy roi. Nhưng vì là lần đầu bị đánh đòn nên tôi đã bối rối khủng khiếp. Tôi là cô con gái “rượu” của bố cơ mà, sao bố có thể đánh tôi đau đến thế vì một cái ly? Bộ não non nớt lúc ấy của tôi không thể lý giải nổi. Tôi chắc chắn là do mình làm cái ly rất đẹp giống như  ly rượu của mấy vị Hoàng đế Trung Hoa mà tôi thấy trên phim truyền hình hồi đó. Mèn ơi, hẳn là bố tôi yêu cái ly lắm, tôi đã sai rồi, lỗi tại tôi mọi bề. Làm gì có chuyện bố chỉ muốn tôi cẩn thận hơn với đồ dễ vỡ cơ chứ.Chắc chắn là do bố yêu cái ly hơn tôi.

 Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm việc cái ly là một trong một bộ bị vỡ khiến tôi bị đánh một trận đau nhớ tới già như thế, ảnh hưởng rất rất nhiều đến việc sợ những thứ bị “lạc đàn” của tôi. Tôi gần như bị ám ảnh với những thứ lệch lạc méo mó không toàn vẹn. Có một thời cứ cái gì bị mất trong một bộ là tôi cũng mất hết hứng thú dùng nó luôn. Hoặc là đồ của tôi xướt xát một tí thôi là tôi gào lên và chán không thèm dùng nó nữa. Thú vị là tôi đã quên cái tính đỏng đảnh này sau một thời gian sống với tâm thế là mình phải tiết kiệm hơn và không bỏ rơi tất cả mọi thứ hơi méo lệch một tẹo nữa. Và vô hình chung cũng đánh mất luôn mối liên kết hữu hình duy nhất của tôi với nỗi sợ những thiếu sót của chính bản thân mình.

Tiếp theo đây là quãng đời mà như tôi nhớ, là của một cô bé luôn luôn thất bại. Tôi muốn xin lỗi bản thân mình vì toàn nhớ đến những thất bại như thế. Tôi có nhớ cả những thành công, nhưng sự thất bại nổi lên trong tâm trí tôi rõ hơn nhiếu. Tôi không cẩn thận và dễ lơ đễnh. Tôi đoán có nhiều đứa bé cũng giống tôi lúc nó mới đi học. Trời hỡi ngày nào tôi cũng làm mất gì đó không tìm lại được. Hôm là cục tẩy, hôm là cái bút, có hôm tôi quên cả lọ mực ở trường không cầm về nhà. Và bạn cũng có thể đoán bố mẹ tôi làm gì rồi đấy. Ngày nào mẹ tôi cũng mắng tôi. Hôm nào bực mình quá bà la mắng to tiếng lắm. Rồi bố tôi thì lâu lâu có kiểu đùa đáng sợ (gọi là đáng sợ vì lúc nói thế ông chẳng cười gì cả). Ông nói: “Nuôi nó tốn kém quá thôi chẳng nuôi nữa. Mất hết cái này đến cái khác tốn bao nhiêu là tiền. Đem cho bà thu rác nuôi”. Sau này khi em trai tôi vào lớp 1 tôi mới nhận ra là “Quái, đâu phải lúc nào cũng là tại nó mà mất đồ”. Bọn trẻ con hay có tật cầm nhầm đồ của nhau. Rồi chúng nó nghịch ngợm giấu đồ của nhau nữa. Hồi đó, cũng có lúc tôi lơ đễnh làm mất thật. Và số lần tôi lơ đãng bỏ quên đồ ở trường thì…nhiều. Nhưng lúc nào trong mắt bố mẹ tôi cũng chỉ có một câu duy nhất “Là tại conlàm mất/để quên/ ẩu đoảng/ hậu đậu”. Nhắc mới nhớ tôi hậu đậu nổi tiếng từ lúc biết đi cho tới lúc học hết tiểu học vì gần như ngày nào tôi cũng ngã trầy đầu gối. Rồi thì năm trên mười lần tôi cứ cầm vào thứ gì là thứ đó tuột khỏi tay tôi vỡ nát hết. Bố mẹ tôi không cho tôi dọn dẹp mâm cơm vì sợ bát đĩa trong nhà ra đi sạch. Thành ra sau này khi nhận thức rõ rang là cầm thứ gì dễ vỡ thì phải cầm thật chắc, tôi đối xử với mọi vật quý giá của tôinhư vậy. Thậm chí cả với con ngườitôi cũng có ý nghĩ “phải nắm giữ người ta thật chặt”. Khủng khiếp thật nhỉ.

Hồi tôi 7 tuổi, có lần mẹ tôi đưa cho tôi tiền đóng học phí dư 3 ngàn đồng. Mẹ dặn kĩ là phải đưa cho mẹ lúc tan học, chắc do sợ tôi dùng tiền đó mua đồ ăn vặt linh tinh. Nhưng xui xẻo làm sao, lúc tan học tôi lục mãi không thấy 3 ngàn tôi cất trong túi áo đâu. Mắt hoa lên và mồ hôi vã ra như tắm, tôi quyết định nói dối mẹ lần đầu tiên trong đời. Thấy mẹ đợi tôi ngoài cổng trường, tôi lầm lũi đi ra. Mẹ tôi hỏi, “Tiền đóng học thừa đâu”. Tôi nói thật nhanh, “Con tiêu rồi”. Một cái tát như trời giáng khiến tôi thật sự  thấy sao rơi giữa ban ngày. Đây là lần đầu tiên và duy nhất tôi bị mẹ đánh ngoài đường. Cảm giác tủi hổ trào lên, nhưng tôi gắng nén khóc và thậm chí khi về đến nhà còn thở phào vì nói dối trót lọt. Bớt tập trung vào các chi tiết thừa thãi và bạn cũng đã nhận ra một sự thật khá buồn. Tôi sẵn sàng nói dối, sẵn sàng chịu bị đánh vì không muốn thừa nhận với mẹ tôi đã làm mấttiền. Mặc dù việc làm mất tiền cũng có thể sẽ khiến tôi bị chửi mắng hoặc đánh, nhưng sẽ bớt tủi hổ hơn chứ. Tôi cũng không phải làm cái việc xấu xí là nói dối mà người lớn vẫn bảo là hư kia. Nhưng tại sao? Mãi sau này khi lớn rồi, tôi mới nhận ra đơn giản là tôi không muốn bố mẹ biết tôi đã lại thất bại và làm họ thất vọng… 

Tùy theo tâm trạng hay bài học mà bố mẹ tôi muốn dạy, thì có lúc là cái bạt tai, tét đít, có lúc là kêu tụt quần ra nằm lên giường, dùng gậy quật cho vài roi. Đặc biệt bố tôi thích đánh con khi dạy dỗ, vì các cụ cũng dạy rồi. “Đòn đau thì nhớ đời”. Mà lần nào bố cầm roi tôi cũng gào thét rối rít xin lỗi, hẳn là tôi sợ và sẽ ngấm bài học bố dạy lắm. Sau này khi đã lớn, tôi đã lấy hết dũng cảm để nói với bố là lúc bố đánh con, con chả hiểu bố muốn dạy cái gì vì sợ quá. Tôi biết tôi đang phản đối cách dạy dỗ của người dạy dỗ mình, cũng người có quyền lực nhất nhà. Bố tôi nói nửa đùa nửa thật là giờ chắc phải nọc ra đánh vài roi cho hiểu. “Vậy cái gì là quan trọng hả bố? Làm con sợ hay làm con hiểu?” tôi vừa nói với khuôn mặt rất nghiêm túc thế, đồng thời nhận ra người mình đang run lên, răng tự dưng va vào nhau lập cập một cách kì quái. Nỗi sợ bị đánh đòn thời thơ ấu bỗng chốc lại lấn át tôi đến không thể kiểm soát được. Lúc đó tôi 23 tuổi.

Vậy mà bình thường mẹ tôi yêu thương và chăm lo cho con cái đến chân răng kẽ tóc. Còn bố tôi lâu lâu cũng ôm cô con gái rượu vào lòng mà bảo rằng “Thương cho roi cho vọt. Đánh là để các con nhớ lỗi mà sửa đổi”. Nên tôi dần nhận ra mỗi lần bị đánh là “À, mình phải sửa cái lỗi sai này”. Nhưng cái mà trong vô thức của tôi thêm vào, và tôi vẫn hành động theo như vậy cho tới nhiều năm về lại là “À, mình phải sửa lỗi sai này để được chấp nhận”. 

Tôi không muốn kể thêm về bố mẹ mình nữa, vì lo sẽ tạo nên những đánh giá sai lệch trong các bạn về những người bạn chưa gặp, chưa chung sống cùng. Nhưng tôi ước chừng có nhiều người đọc đoạn trên thấy đồng cảm với tôi, vì đó là cách dạy con thương thấy của bố mẹ người Việt. Có thể nhiều người ngẫm lại sẽ thấy họ không bị ảnh hưởng nhiều hay không bị nặng như tôi, hoặc cũng có trường hợp bị ảnh hưởng tệ hơn tôi. Tôi cũng thấy áp đặt kinh nghiệm sống của mình lên người khác thì khiên cưỡng quá, mà tôi cũng thuộc tuýp người nhạy cảm quá mức và nhớ quá lâu những kí ức của mình nữa. Dù sao thì những người như bạn và tôi, tuy đang sống rất bình thường trong cuộc đời vô thường này, nếu vẫn còn đau đáu với những cảm xúc “Mình đã làm đủ tốt để được yêu thương chưa?” “Có ai chấp nhận một người luôn thất bại như mình không?” “Liệu người ta có tự hào về mình không?”. Có lẽ đây sẽ là lúc để nhìn lại và nhận thức về bản thân mình rõ hơn chăng. Ta có thể bắt đầu với việc đặt một câu hỏi khác đi để thay đổi cách bạn nhìn vấn đề. Chẳng hạn như “Bạn đã tha thứ cho bản thân mình chưa?” 

Leave a Comment