Niềm Tin Sai Lạc

Chuyên đề đã được tổ chức tại Đà Nẵng vào hai ngày 12-13/10/2019

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học:

“Chào các bạn. Niềm tin là thứ thường được đồng nhất với sự thật, rằng ta tin điều gì hàm ý ta nghĩ nó là đúng đắn, và rằng niềm tin hay được thể hiện, dù ý thức hoặc vô thức, dưới dạng bộc lộ sau cụm từ quen thuộc ‘tôi tin…’. Niềm tin vô cùng quan trọng vì nó hướng ta tới hành động, nên niềm tin sai lạc đòi hỏi người ta phải chấp nhận sự trục trặc nhất định xảy đến trên tiến trình vận hành bình thường, hoặc nó khởi phát từ việc thông tin thiếu chính xác hoặc chưa đầy đủ…

Chúng ta đã khổ sở vật lộn và rồi cũng xứng đáng thu về nhiều điều giá trị sau quãng thời gian cởi mở, chia sẻ và trải nghiệm việc tương tác, truyền thông, lắng nghe nhau chu đáo, tận tình. Đấy là những giờ phút chẳng dễ cảm thấy toàn mãn thân- tâm nếu chỉ nhờ nhặt nhạnh khái niệm, kiến thức liên quan. Với tư cách các công dân mạng (Netizens), chúng ta quen đối đầu vô cùng sinh động giữa những niềm tin và huyền thoại nhầm nhọt với các viễn tượng và thực tại khi thao tác kết nối, giao lưu cùng mạng lưới điểm toàn cầu. Chưa nói, trong đời sống hàng ngày, chúng ta gặp phải vô vàn điều thứ khó nhằn, tỷ dụ, không cập nhật được niềm tin lạc quan bất chấp sự hoà nhập sẵn sàng của các sự kiện tích cực; hoặc quan điểm nhận thức chẳng hề phù hợp về một môn học cần nắm bắt nào đó; khám phá các niềm tin phi lý hiển hiện ngay trong từng hoạt động mình vốn thích thú lựa chọn, tỷ dụ, mê mải tập gym quá mức; chịu đựng những phiền toái tòi ra đi kèm với yêu cầu cung cấp thông tin vốn là câu chuyện căng thẳng, nhất là khi ta phải thể hiện kết quả ưng ý, hay nhận thức tiêu cực do đang trải qua tâm thế trầm uất,v.v… Niềm tin chắc cú đang vận hành vốn được xây dựng trên niềm tin hiện tiếp tục tồn tại, giúp chúng ta hiểu thêm chút ít về khía cạnh tiến hoá của niềm tin (McKay & Dennett, 2009); đồng thời nhắc nhở chưa thôi về mối quan hệ giữa niềm tin, cá nhân, và các thuộc tính của kiến thức… Ai có mặt vào hai ngày cuối tuần vừa qua hẳn thấm thía cách chúng ta nhìn ngó nghiêm túc về niềm tin chính mình đang đeo mang, dựa cậy. Các câu chuyện đời thường được bộc bạch càng giúp chúng ta có cơ hội thẩm thấu khía cạnh trải nghiệm. Phản ánh (reflection) là tiến trình đòi buộc (gồm suy tư có dự tính về đối tượng có vấn đề hoặc kết quả nhắc nhở mình can thiệp đúng đắn trong khi muốn thay đổi niềm tin), cũng như khó phủ nhận vai trò của thẩm quyền (kẻ quyết điều chi là sự thật) khiến thôi thúc chúng ta tìm hiểu các phương thức của sự biết (ways of knowing). Từ đó, chúng ta khởi sự khám phá *cách thức* thay cho gắng sức xác lập *những gì* cấu tạo nên niềm tin, tức ưu tiên tìm hiểu sức mạnh tâm lý nội tại của niềm tin với biểu hiện phổ và các sắc thái thay đổi, khác biệt… Có nhiều điều mình cần nhận biết để thay đổi niềm tin, tỷ dụ, mình im lặng khi nghe ai đó nói, tức mình không bị tác động bởi niềm tin của chính họ; hoặc kiến thức mình đón nhận, hoặc kiến thức do tự mình tích luỹ, hoặc kiến thức theo quy trình nếu luyện tập sẽ thuần thục, hay kiến thức được bố cục chặt chẽ…; nói chung, niềm tin là câu chuyện xứng đáng để mình nâng cao đời sống năng sản, tốt lành, và hài hoà…, nhất là trong nỗ lực hoá giải sự chống cự không muốn thay đổi niềm tin (Conner & Gomez, 2018) chẳng hạn.

Hẹn gặp lại mọi người vào tháng 11 tới ở địa điểm mới khá lung linh, cho chủ đề Về Những Kết Nối, Ước Ao Nắm Giữ, và Sự Vi Tế của trạng thái Tham (Ham)…”

Leave a Comment