Sang chấn tâm lý thời thơ ấu tới con người chúng mình hiện tại

Chủ đề: Sang chấn tâm lý thời thơ ấu tới con người chúng mình hiện tại

Tóm tắt chủ đề:

“Nghiên cứu cho thấy, đàn ông có tuổi thơ đầy tràn hạnh phúc thì cũng có các mối quan hệ bền vững hơn khi ở tuổi trung niên và về già. Tiếc thay, thực tế thì có rất nhiều lý do khiến chúng ta không bao giờ quên những sư vụ bị bắt nạt hồi nhỏ, đồng thời cũng cần biết sự thât đau lòng là nhiều người chẳng muốn chia sẻ chút gì về thời thơ ấu của chính mình cả.

Chúng ta sẽ trao đổi về các cách stress quá mức hồi nhỏ làm nhiễm độc ADN; tác động của trạng thái gia đình trục trặc và sang chấn thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào tới não bộ, và tới giai đoạn trưởng thành; gánh nặng của một đứa bé phải đóng vai một người lớn giả tạo do bị mắc kẹt trong những lời ăn tiếng nói và chịu đựng người lớn chửi mắng từ xa xưa, hay việc bị bỏ rơi làm quay vòng mãi nhu cầu bạo lực khi lớn lên; lý giải tại sao mình không nhớ nổi những ký ức thuở đầu đời; học cách đặt các câu hỏi đúng cũng như biết thay đổi kịch bản đặng chữa lành tổn thương tuổi nhỏ; tìm hiểu phương thức lý thuyết tâm trí (Theory of Mind) và lý thuyết gắn bó đã định hình con người mình bây giờ; thậm chí, nếu còn thời gian thì sẽ khám phá tiếp tục ký ức cảm xúc và các con ma hồi nhỏ; xem sự vắng bóng người cha thời bé tí đã ảnh hưởng tới chiến lược hẹn hò hiện giờ như nào (!).”

Chủ đề đã được tổ chức tại TP.HCM ngày 11-12/8/2018, Đà Lạt ngày 3-4/10/2018 và Đà Nẵng ngày 13-14/10/2018

HCM: “Cơn mưa đêm cuối tuần như góp phần xua tan sự mệt mỏi dồn đọng lại 4 buổi miệt mài ngồi cà mông và lòng quyết không… bỏ học hay đi trễ về sớm tí tẹo lần nào. Trao đổi chủ đề Sang Chấn Tuổi Thơ vốn chẳng hề dễ chịu thì sau những trải nghiệm, mở lòng, tâm tình lắng nghe, hồi đáp, làm bảng kiểm về mức độ trưởng thành sau biến cố, khủng hoảng… càng thêm nhiều suy ngẫm, thôi thúc nội tâm.

Vượt xa cảm giác may mắn thuần tuý, hẳn nhiều bạn sau khi nghe các câu chuyện đầy chi tiết dằn vặt, đau đớn và tủi nhục, nay đà hy vọng đã đủ hiểu biết kiến thức, lý thuyết đồng thời hình thành thái độ quyết tâm luyện tập các bước cụ thể trong kỹ thuật ‘trải nghiệm cặp đôi bất xứng’ (thay cho đặc thù ‘cạnh tranh’ của lối tiếp cận trị liệu dứt điểm và phơi nhiễm kéo dài đối với các ám sợ, sang chấn, và PTSD).

Cả vị sống sót, kẻ chứng kiến, người giúp đỡ, thậm chí những ai chọn giữ vai ‘khán giả’ không liên quan… thảy đều bị tác động theo hướng đáp ứng mang tính tâm lý và cảm xúc trước các sự kiện tồi tệ; dần thấm thía cũng như thừa khát khao sống đời khác trước khi nhận thấy não bộ thay đổi ra sao khi người ta ở trạng thái bị sang chấn ngay từ hồi thơ bé, nhất là 4 tác động cụ thể tới đời sống hiện tại của người lớn khôn…

Cơ chế làm việc của ký ức sang chấn dưới hình thức ẩn tàng dạy chúng ta vì sao nên biết cách dùng hình ảnh và trải nghiệm, thay vì đơn giản là tự động viên bản thân, hoặc các ý tưởng lập luận nói lên thành lời… Số lượng tham gia đông chật ngoài dự kiến ban đầu, song bầu khí Lớp thì duy trì nhịp điệu hoà hợp, nhiệt tình học hỏi, và tinh thần vị tha…”

ĐN: “Đẫm nước mắt, ứa tràn và rung động toàn thân khi nhớ lại ký ức, rồi lắm lúc cảm thấy thấm thía phiền não song gắng kiểm soát để lệ chẳng nhỏ xuống quá nhiều khi biểu tỏ, tâm tình… Một cours trong nhiều cours tưởng chừng quen thuộc do đã từng triển khai vài lần ở nhiều chốn khác trên đất nước mình, song khoá này tại quê nhà vừa kết thúc rất dễ giúp tất cả những ai tham gia hai ngày nay cảm thấy cả sự ấm áp, chân thật xen lẫn bồi hồi, cảm thông, và thêm phần tin tưởng vào sự gắn bó tình thương mến thương của cả Nhóm. Luôn thế, Lớp không hề muốn dừng lại ở mỗi hiểu biết và nhu cầu nắm bắt kiến thức, khoá lần này càng chứng tỏ sang chấn có thể được cảm nhận như cơ hội nhận chân rồi lớn lên, khiến mọi người xích gần nhau hơn cũng như thúc đẩy mạnh mẽ động cơ học hỏi đặng đem tới sự trợ giúp hiệu quả, thiết thực và chất lượng cho mình và cho người.

Lợi thế với những ai hiện diện suốt bốn hôm rày là cơ hội thẩm thấu trực tiếp những nỗi niềm khổ đau đa dạng, hiển lộ và vi tế. Thấu cảm để thấy bản thân và tha nhân cùng chia sẻ nhiều khía cạnh xúc cảm và động cơ rất người.

Điều này kết nối thật nhuần nhị với chủ đề ‘từ xung đột tới lòng từ bi nơi làm việc’ diễn ra vào tối thứ Bảy tương ứng/ tháng. Và vì thế, dẫu đó là khắc khoải của nữ điều dưỡng trong Bệnh viện, hay ước ao nam quản lý tăng cường tình đoàn kết của các thành viên thuộc công ty kinh doanh, hoặc vẫn còn trên tiến trình dang dở chưa xong cho một trạng thái gia đình đủ khiến kẻ trong cuộc phải tạm thời đi trốn, v.v…. thì rốt ráo, hiển hiện nổi bật là khả năng làm sao lắng nghe thật sâu, diễn đạt qua giao tiếp liên nhân thật trọn vẹn ‘toa tầu’, và thi thoảng, biết thoải mái đợi chờ để đón lấy những dấu chỉ và câu chuyện đổi trao hết sức ‘ngầu’. Hẳn rồi, đôi khi cũng muốn vui vẻ và khôn ngoan viện đến, ‘chỉ cần một lý do’ (!).”

Leave a Comment