Sự Công Nhận Của Gia Đình Và Xã Hội

Chuyên đề đã được tổ chức tại TP.HCM vào tối ngày 15/6

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học:

“Chào các bạn,

theo thông lệ phi cấu trúc và trao đổi thoải mái, tối cuối tuần lần này mở ngỏ cho các bạn tham gia cùng chia sẻ rồi lắng nghe nỗi niềm tâm sự của nhau. Trước tiên, liên quan tới vấn đề công nhận của xã hội, nghiên cứu phát hiện thấy, lòng tự trọng (self-esteem) là nguồn cá nhân giúp biết được kiểu định kiến mơ hồ; bởi khi thái độ này hiển nhiên, mọi người khá dễ suy ra, song khi nó ít rõ ràng hơn, những ai càng có lòng tự trọng cao thì càng nhiều lợi thế. Trong bối cảnh phân biệt đối xử ghê gớm ngày nay, đây là cách tiếp cận mới nhằm bảo vệ lòng tự trọng cá nhân. 

Hai tiếng ngồi với nhau ưu tiên thảo luận về sự công nhận của gia đình. Bởi không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc được người thân ghi nhận (hoặc lờ đi), bất chấp điều mình đóng góp hoặc làm nên. Dù mong đợi được khen ngợi do xứng đáng là chuyện tự nhiên song không phải lúc nào chúng ta cũng được toại nguyện, ưng ý. Thực tế, chỉ cần được kẻ khác xác nhận là đủ khiến chúng ta cảm thấy tốt lành; gợi nhớ thời thơ ấu và nhu cầu được bố mẹ tán dương, càng khiến chúng ta cảm thấy được chấp nhận và an toàn thêm. Hệ quả, sự công nhận thế duy trì ta tự cảm nhận bản thân mình là hay ho, có giá trị, và đáng quý; gọn một từ: đặc biệt. Bằng cách này hay cách khác, hầu như mọi người đều mơ ước được nổi bật, ngưỡng mộ, hoan nghênh. Bởi nếu đơn thuần chỉ là trung bình hoặc phù hợp thì không đem lại cảm giác gì, nhất là cho cái tôi riêng có của chúng ta. Vì khi được khen, chúng ta cảm thấy phấn chấn, khoẻ mạnh, bừng sáng; sự xác nhận từ người có quyền uy góp phần chứng thực giá trị nội tại của chúng ta. Sự xác nhận vậy càng quan trọng với những ai vốn chưa hết ngờ vực và lăn tăn về chính bản thân họ. Cảm giác bị lừa có thể xuất hiện… Thái độ cơ bản nằm ở chỗ, khi mình thực hiện xuất sắc, chứng tỏ mức độ thiện xảo hoặc bộc lộ tài năng thì bất chấp, hãy học cách ứng xử rộng lượng và không vị kỷ bằng cách tự mình chúc mừng mình.  Nhờ thế, mình tránh được thất vọng, chán chường, bất mãn, thậm chí tức giận hoặc phẫn nộ. Nghĩ về nó. Luôn luôn có ý nghĩa khi không phải phụ thuộc vào phản ứng của kẻ khác trong đánh giá bản thân tích cực. Lý tưởng là thấy tốt vô điều kiện, và mình độc lập với bất kỳ sự cân đo ưu tiên từ bên ngoài, ngay cả khi mình không nhất thiết có đang tiến hành cải thiện bản thân hay không… Tự chấp nhận vô điều kiện là mục tiêu hướng tới…

Lần gặp cho buổi tối cuối tuần sắp tới (17.8) được đề xuất là Truyền Thông Phi Bạo Lực Tại Nơi Làm Việc”

Chia sẻ của bạn đề xuất chủ đề:

“Từ khi có nhận thức về thế giới xung quanh cho tới lúc chết, có phải ta vẫn luôn vô thức tìm kiếm sự thừa nhận của ai đó không? Lúc ta còn nhỏ ta vẫn hãnh diện khi được người lớn xoa đầu và khen là ngoan, thông minh, lanh lợi. Lớn hơn chút nữa là những lời khen học giỏi, chăm, biết vâng lời, v.v…Và ta thật sự cố để nhận được những lời khen ấy. Khi trưởng thành rồi, sự thừa nhận đôi lúc không phải ở dưới dạng lời khen. Nó là những thước đo mà xã hội đặt ra và ta cố gắng để đạt được. Đó là ra trường xin được việc làm tốt, lương khá tự nuôi sống được bản thân, có người yêu, rồi sau đó là có gia đình hạnh phúc đầm ấm. Về căn bản là vậy.

Nhưng sẽ ra sao nếu hồi nhỏ cha mẹ bạn chưa bao giờ tỏ ra tự hào về bạn, luôn đem bạn ra so sánh với người khác, thậm chí dè bỉu chì chiết bạn? Hay là bạn chưa bao giờ đạt thành tích tốt ở lớp, và chẳng bao giờ được thầy cô giáo khen? Liệu có phải tới tận lúc có cuộc sống riêng rồi bạn vẫn đang cố gắng làm hài lòng bố mẹ mình, đang cố sống cho tròn vai “người con ngoan” không? Hoặc giả như cuộc đời bạn không được suôn sẻ, bạn không thể đạt tới được cái “ngưỡng” mà xã hội đặt ra ấy?

Bạn nghĩ gì nếu mọi người trong khu bạn sống đều đang chạy ô tô thay vì đi xe máy giống bạn? Hoặc nếu bạn bè bạn đều đã cưới chồng có con, nhưng bạn còn đang lẻ loi chưa có nổi người yêu? Liệu bạn có thể thật sự hạnh phúc với cuộc sống của riêng mình mà không bị thước đo xã hội làm ảnh hưởng? Hay bạn sẽ “mặc kệ” cha mẹ, “mặc kệ” người xung quanh và…tiếp tục đi tìm sự công nhận từ những người khác và những nơi khác?

Cái bạn thật sự theo đuổi có nên là sự thừa nhận của những người xung quanh hoặc một thành công nào đó trong cuộc sống? Và nếu không phải vậy, bản thân bạn có thể đánh giá được giá trị của chính mình chứ?”

Leave a Comment