Chào các bạn, chủ đề của tháng Tám xoay quanh Chi phí Sinh hoạt và Căn tính Quốc gia.
Mối liên hệ này không chỉ đơn giản đề cập kinh tế; nó trỏ sâu xa hơn với cách các cá nhân định hướng vị trí của họ trong xã hội, cảm giác thân thuộc và trạng thái sức khoẻ tâm thần của bản thân.
Tình hình công ăn việc làm khó khăn và thu nhập thấp; khi các nhu cầu cơ bản như nhà ở, thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ liên tục bị đe doạ bởi chi phí tăng cao thì các cá nhân có thể trải qua cảm giác vô dụng và sự không thoả đáng; nhất là nếu cảm thấy nỗ lực của chính mình không đủ để đạt được một cuộc sống ‘thành đạt’ theo tiêu chuẩn xã hội. Chưa nói, sống trong nghèo đói và tiền bạc khó khăn thì dễ dẫn đến sự kỳ thị và tủi hổ, làm xói mòn thêm ý thức về giá trị bản thân cũng như cảm nhận thuộc về của một cá nhân. Chới với trước các lực lượng kinh tế nằm ngoài tầm kiểm soát, người ta có thể nảy sinh sự bất lực và tuyệt vọng, khiến suy yếu khả năng được trao quyền và chủ động trong đời sống.
Căn tính quốc gia mạnh mẽ có thể là nguồn an ủi và tự hào, song khi nó xung đột với thực tế khó khăn về kinh tế thì lại dễ dẫn đến xung đột nội bộ. Các cá nhân cảm thấy bị giằng xé giữa tình yêu đất nước với sự thất vọng với hệ thống kinh tế quốc gia; góp phần làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện hành và tạo ra cảm giác bị loại trừ với những ai đang khổ sở về tài chính. Căn tính quốc gia gắn bó chặt chẽ với niềm tin chính trị và quan điểm về chính sách kinh tế, từ đó dẫn đến những quan điểm phân cực về các chương trình xã hội, chính sách thuế khoá và các biện pháp kinh tế khác…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Hà Nội luôn giữ vị trí là địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước, đứng thứ hai tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh (trước đó xếp thứ 3)… Còn Đà Nẵng thì tuy từ 2015 đến 2022 luôn nằm trong nhóm 5 thành phố có chi phí đắt đỏ nhất nước (xếp thứ 4) song giờ thì Đà Nẵng đã lọt ra ngoài danh sách đó.
Nhìn chi phí sinh hoạt như căn tính quốc gia, đây là dịp chúng ta thảo luận một vấn đề vừa vĩ mô vừa sát sườn. Hiện tại, bạn có hài lòng với cách mình đang chi tiêu không, xét về mặt cá nhân riêng tư hoặc như hộ gia đình? Dù câu trả lời của bạn là có hoặc không, bạn nghĩ thế nào về chuyện chi phí sinh hoạt trong tương lai? Những thay đổi nào, nếu có, bạn muốn thực hiện? Và cuối cùng, có những công cụ, tài nguyên hoặc cộng đồng nào mà bạn mong muốn hiện hữu (hoặc đã tồn tại) sẽ hỗ trợ bạn khi bạn phát triển hoặc thực hiện chiến lược chi phí sinh hoạt của mình (cá nhân/ gia đình) không?
Lời cuối. Hình thức trao đổi và họp Nhóm trong tháng Tám chủ yếu là trực tuyến, và cả ba miền đều dồn gọn vào hai ngày cuối tuần đầu tiên của tháng (Hà Nội: sáng thứ Bảy, 3.8, 9g-12g; Sài Gòn: trực tuyến, sáng Chủ nhật, 4.8, 9g-11g; Đà Nẵng: trực tuyến, chiều Chủ nhật, 4.8, 15g-17g).
Đến hẹn lại lên.
Thái Phác Ngô Toàn
N.T–