[Lá thư tháng Năm] Thế, bế và ế: Căn tính dân tộc qua cái nhìn về giới, hạnh phúc, và sự ổn thoả

Chào các bạn. Tiết Lập hạ báo hiệu mùa hè thực sự đã đến, cùng thời tiết nắng nóng ở giữa bao la đất trời và xốn xang cả lòng người Việt. Tháng Năm đầy ắp những kỷ niệm cho mọi tầng lớp, lứa tuổi, phản ánh chiều kích lịch sử-văn hoá- chính trị- xã hội của đất nước uốn lượn hình chữ S.

Xuyên suốt chiều dài phát triển, nhất là thời hiện đại, quốc gia chúng ta từng đưa ra chính sách ‘bế quan toả cảng’, và cũng có ‘mở cửa’, ‘đổi mới’, ‘cởi trói’; vẫn đang tiếp tục tự hào ‘Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay’.

Thuở thuộc Pháp, trong một cuốn sách do một vị quan cai trị viết sau ba năm cố ‘tìm hiểu’ và mong mỏi ‘biết rõ’ một cách ‘thấu đáo tâm hồn, thần minh’ của dân tộc Việt (‘Tâm lý dân tộc An Nam’/ Psychologie du Peuple Annamite, Paul Giran, 1904/2009, Nxb. Hội Nhà văn), có đoạn: ‘… nếu có thể nói rằng người An Nam vô cảm và lãnh đạm, không có nhiều nhu cầu to lớn và không có mong ước thực sự nào, và vì những lý do đó là một dân tộc hạnh phúc, ít nhất sẽ phải nói thêm rằng điểm chính yếu trong sự hạnh phúc của họ là tiêu cực và rất ít ham muốn’.

Nhận xét của một nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ chính khách thuộc địa vừa tròn mười con giáp, 120 năm rồi. Bao nhiêu biến đổi, dịch chuyển, quá độ, và thăng tiến. Cùng với tà áo dài, hoa sen và cây tre, các biểu tượng góp phần lý giải tại sao dưới cái nhìn của người ngoại quốc, đặc biệt phương Tây, Việt Nam được ví von như cô gái xinh đẹp, tinh khéo, và đậm tính ‘hương xa’ (exotic other) và được phản ánh qua các bộ phim Hollywood như ‘Full Metal Jacket’ (Áo giáp sắt, 1987), đặc biệt là ‘Miss Saigon’ (2016) lên màn ảnh rộng sau khi đã quyến rũ bền bỉ trước đó trên sân khấu nhạc kịch lừng danh Broadway (New York, Hoa Kỳ) và West End (London, Anh).

Gần đây, mới năm ngoái thôi (10.11.2023), trang điện tử ‘Thông tin chính phủ’ đăng tải nội dung ‘Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi)’ thu hút sự chia sẻ, bình luận hết sức nồng nhiệt, đông đảo và hứng thú của dân mạng.

Với những ai yêu thích nhạc trẻ, chỉ cần nhắc tới cái tên bài hát là rúng động, chẳng hạn, ‘Cho tôi đi theo’, ‘Cá hồi’, ‘Không làm gì’ (2016); ‘Cho tôi lang thang’ (2017); ‘Thấy chưa’ (2022), ‘Mơ làm ma’ (2024)… cơ chừng nói rất nhiều điều với tất cả chúng ta…
Sự kiện tháng Năm của Nhóm học Tâm lý Ứng dụng tiếp tục diễn ra khắp ba miền, với lịch dự kiến khởi từ Hà Nội (12.5), TP. Hồ Chí Minh (19.5) và Đà Nẵng (26.5).

Lần nữa. Chào mùa hè; mùa của mặt trời chói chang, cây trái nở tung, bừng dậy, tràn đầy sinh khí, sức sống hừng hực khắp nơi nơi. Đến hẹn lại lên.

Thái Phác Ngô Toàn
N.T—

Leave a Comment