Phải | Trái | Đúng | Sai

Chuyên đề đã được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 7-8/9/2019

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học:

“Không chuyên triết và chẳng rành lắm về Đạo đức học nên dành cả hai ngày (7-8.9) bàn thảo về mỗi nội dung chương 5 ‘Động Cơ Mới Quan Trọng: Immanuel Kant’ trong cuốn sách Phải|Trái|Đúng|Sai mà vẫn chưa bõ bèn chi cả.

Tác giả cuốn sách (2012), Michael Sandel, dạy Đạo Đức học mấy chục năm nay ở Harvard là học trò chịu ảnh hưởng Charles Taylor trường Oxford vốn chuyên sâu tính thế tục (secularity) trong thời đại tôn giáo (religion) giảm, tâm linh (spirituality) tăng ngày nay (tính thế tục biểu hiện qua triết học, văn hoá- xã hội, và chính trị). Sandel bàn về đạo đức (morality) theo phái nhiệm vụ, đạo nghĩa (deontology) của Kant xoay quanh ba điểm nhấn: tự do (freedom), tôn trọng (respect), và nghĩa vụ (duty); rằng đạo đức trở nên vô nghĩa nếu không có tự do; rằng hành động tốt lành (good act) khởi từ thiện chí (good will), và với Kant thì ông nào quan tâm tới kết quả như quan điểm của chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) mà cơ bản nhắm vô xem xét động cơ (motive), nên chi cần soi dự định ẩn chìm bên dưới… Một hành động thì có thể đánh giá là đáng lên án (giết hại, trộm cắp, gạt lường); chấp nhận được (hành động đúng song sai lý lẽ); và sáng giá (hành động đúng với lý lẽ đúng). Đáng lưu ý, nền tảng của nghĩa vụ và trách nhiệm được tìm thấy, không ở bản chất hay hoàn cảnh sống mà chỉ phát sinh ở nơi chốn tiền nghiệm trong các ý niệm về ‘lý tính thuần khiết’ (pure reason). Rằng khi ta đối xử với kẻ khác theo kiểu lưu tâm chức năng lợi lạc cho bản thân thì khi đó chỉ là phương tiện (means), khác cách bà mẹ (nếu yêu thương đứa con thật lòng) thì bà đối xử như cứu cánh (end). Phân biệt lý tính giả thuyết mí lý tính tuyệt đối… Kant kêu gọi ứng xử theo hướng quy luật đạo đức thành quy luật phổ quát, và rằng nên ứng xử với người ta như cứu cánh rốt ráo vì ai cũng có nhân phẩm, đáng được tôn trọng, và quyền tự quyết đủ để gọi như thế là ‘nhân tính’ (humanity)… Không quá khó nắm bắt vì Sandel viết hay và dễ kiếm băng hình giảng bài nghe hấp dẫn, song đến phần áp dụng đạo đức của Kant thì vô cùng trần ai từ đề nghị thử xem xem diễn biến xử lý vụ cháy công ty bóng đèn và phích nước Rạng Đông, cho đến cả ngày hôm sau đào bới mỗi việc phân tích dữ liệu (data analysis) nhân tình huống giả định đời thường: tham gia sinh nhật cháu yêu, cô/ chú dùng điện thoại chụp ảnh rồi đẩy lên mạng để chia sẻ với bà con, người thân xa gần và những ai trong danh sách bạn bè fb… Nghiêm cẩn mà nói, đánh giá qua quy điều ứng xử (chuẩn tắc- nghĩa vụ); qua sự thuần thục (tình huống- mục đích); và qua sự xác tín dấn thân (hiện sinh- động cơ) tuỳ bởi đối tượng (đời sống cá nhân, công việc kinh doanh, và quản trị) thì khả năng bóc lớp còn cần học hỏi lắm lắm. Tưởng đọc hiểu, nắm bắt được rồi mà áp vô bài tập thì khổ sở, tắc tị nhỉ… Ai chưa chán và vẫn muốn khai thác lý thuyết ấn tượng của Kant thì tìm đọc bài bản thêm sách, chẳng hạn, An Introduction to Kant’s Ethics (Sullivan, 1994, Cambridge Uni. Press.).

Khi tự ngó thấy thân- tâm chính mình đang đích thị như nào, ấy là cơ hội để nhận chân, học hỏi rồi chuyển hoá. Nhiệt tình, khiêm cung, và tinh tấn. Hẹn gặp lại (5-6.10) với chủ đề mà mấy bạn bầu chọn mãi mới xong đuợc đã biết là gì rồi đấy (‘Niềm Tin Sai Lạc’). Hoan hỉ, an vui.”

Leave a Comment