Tại sao small talk, hay trò chuyện xã giao, thật khó khăn?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra small talk tuy nhỏ mà có vai trò không hề nhỏ tí nào!

Chú thích: small talk (tạm dịch là trò chuyện xã giao) là thuật ngữ trong tiếng Anh dùng để chỉ những cuộc trò chuyện về những chủ đề không quan trọng, với mục đích chính là dùng để kết nối một cách lịch sự với người khác. Trong bài dịch này, để đảm bảo tính xác thực, thuật ngữ small talk sẽ được dùng xuyên suốt toàn bài.

Tôi ghét small talk. Ghét thậm tệ ấy!

Tôi cảm thấy rất khó chịu khi phải small talk với một ai đó. Tôi cảm thấy mình cứ ngu ngơ như bò đội nón vậy.

Bạn biết vì sao không? Vì đây là cách tôi small talk nè: Giả sử tôi đang phải tương tác với nhân viên bán hàng, gặp ai đó trong bữa tiệc hoặc hội nghị, tình cờ gặp hàng xóm trên phố hay bất kỳ tình huống nào cần trò chuyện. Ngay khi sự tương tác bắt đầu, một thứ gì đó bên trong tôi – tôi gọi nó là “suy nghĩ”, nhưng nó sâu xa hơn thế, gần như cả cơ thể tôi- muốn kêu gào chạy trốn để khỏi phải small talk. Bản năng chiến-hay-biến (flight-or-flight) của tôi được kích hoạt: Cuộc nói chuyện diễn ra càng lâu, tôi càng cảm thấy cơ thể mình căng thẳng hơn. Nên là chẳng mấy chốc thì tôi cảm thấy không chịu được và tìm cách dừng cuộc nói chuyện lại, và thưởng là theo những cách không có duyên cho lắm!

Điều kỳ lạ là, không phải tôi có ác cảm chung khi nói chuyện với mọi người. Tôi thích nói chuyện với mọi người! Bất cứ ai đã từng đi uống rượu với tôi đều có thể chứng thực điều đó. Và tôi không mắc chứng lo âu xã hội. Tôi hoàn toàn thoải mái và tự tin trong khi thảo luận nhóm hoặc phát biểu trước đám đông nữa cơ nhé. Vấn đề ở đây không nằm ở con người hay các tình huống xã hội nói chung, mà vì bản thân việc small talk là nói chuyện 1-1 với ai đó mới làm tôi phát sợ!

Small talk thường xảy ra trước khi chúng ta bàn luận về những thứ quan trọng hơn. Hầu hết mọi người cảm thấy cần phải thoải mái với nhau trước khi họ muốn trò chuyện nghiêm túc. Điều đó có nghĩa là nếu bạn ghét và tránh small talk, thì bạn cũng đang tự giới hạn mình khi tham gia những tương tác xã hội có ý nghĩa. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng khi small talk thường xuyên hơn, ngay cả với những người tự nhận là người hướng nội, sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn.  Dù công nghệ hiện đại có khiến cuộc sống chúng ta thay đổi, thì việc small talk vẫn là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn thực hành small talk, hoặc ít nhất là hiểu tại sao tôi lại cảm thấy tệ hại khi phải small talk như vậy. Chúng ta hãy thử tìm đọc nghiên cứu xem sao!

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng small talk có vai trò không hề nhỏ như tên gọi của nó

Thực tế small talk không phải là chủ đề được nghiên cứu sâu và rộng. Tài liệu lý thuyết đầu tiên nhắc đến small talk được cho là của nhà nhân loại học Bronisław Malinowski, trong bài tiểu luận năm 1923 của ông “The Problem of Meaning in Primitive Languages”(tạm dịch: Vấn đề ý nghĩa trong các ngôn ngữ nguyên thủy). Ông lưu ý rằng rất nhiều cuộc nói chuyện “không phục vụ bất kỳ mục đích truyền đạt ý tưởng nào” mà thay vào đó “phục vụ cho việc thiết lập mối quan hệ.” Đó là việc nói chuyện chú trọng tới liên kết xã hội hơn là truyền đạt thông tin.

Có vẻ Malinowski coi đây không thực sự là một hình thức diễn đạt. Ông mô tả nó là “những biểu hiện ưa thích hoặc phản đối không có mục đích, những lời kể về những diễn biến không liên quan, [và] nhận xét về những gì ai cũng biết.” (Nghe giống như mấy đứa lên Facebook đăng linh tinh ấy!)

Theo ông, thường thì đó chỉ là một cách để lấp đầy sự im lặng.

… đối với một con người, sự im lặng của một người khác không phải là một điều khiến anh ta cảm thấy an toàn, mà ngược lại, là một điều gì đó đáng báo động và nguy hiểm. … Thành ngữ tiếng Anh hiện đại, ‘Nice day today’ hoặc cụm từ tiếng Melanesian, ‘Whence comest thou?’ là cần thiết để vượt qua sự căng thẳng kỳ lạ và khó chịu mà một người cảm thấy khi đối mặt với người khác trong im lặng.

Trong nhiều thập kỷ sau đó, small talk vẫn mang tiếng là hình thức nói chuyện ở cấp thấp nhất, chỉ là khoảng trống để xua đuổi sự im lặng, ít được tôn trọng hoặc nghiên cứu nghiêm túc.

Tuy nhiên, vào những năm 1970, ngôn ngữ học xã hội học bắt đầu đặt nhiều mối quan tâm hơn đến các hình thức giao tiếp hàng ngày bởi thực tế, phần lớn thời gian chúng ta dàng để giao tiếp hàng ngày. Khoa học xã hội học theo chủ nghĩa nữ quyền đặc biệt lưu ý rằng thái độ bài trừ những hình thức giao tiếp chú trọng vào thiết lập và duy trì các mối quan hệ – khi đặt trong tương quan với những hình thức giao tiếp chú trọng vào thông tin hoặc nhiệm vụ – là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng mang yếu tố gia trưởng với vai trò truyền thống của người nữ.

Nhưng hàm ý của giới phê bình nữ quyền còn vượt xa hơn thế. Trong phần giới thiệu tuyển tập các bài luận học thuật về small talk năm 2010, học giả Justine Coupland viết:

Điều chủ yếu xuất hiện từ các bài phê bình nữ quyền là thực tế là các xã hội phương Tây mặc nhiên rằng giao tiếp trên thực tế có thể phân loại giá trị… Cuộc nói chuyện thực sự là cuộc nói chuyện nhằm mục đích “hoàn thành công việc”, trong đó “công việc” không bao gồm “xây dựng mối quan hệ”.

Trong ngôn ngữ xã hội học hiện đại, có rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về “ngôn ngữ xã hội” mà trong đó small talk đóng một vai trò ràng buộc quan trọng.

Malinowski đã sai -small talk không chỉ quan trọng đối với những người đang tìm kiếm sự đồng hành (hoặc tránh im lặng). Nó cũng quan trọng trong toàn bộ các bối cảnh xã hội, thương mại và nghề nghiệp. Nó giúp bện chặt liên kết xã hội, tạo ra và củng cố vai trò xã hội.

Hãy nghĩ về những kiểu small talk khác nhau giữa bác sĩ và bệnh nhân, giữa nhà cung cấp và khách hàng, giữa quản lý và nhân viên. Mỗi loại có nhịp điệu và quy tắc riêng. Và tất nhiên cách small talk khác nhau tùy từng nơi, từng nền văn hóa. Ví dụ, sự im lặng, trái với những gì Malinowski nghĩ, không được coi là đe dọa hoặc khó chịu trong tất cả các nền văn hóa.

Giao tiếp không chỉ là lời nói, mà nó còn là hành động

Chúng ta không cần phải đi quá sa đà vào câu chuyện học thuật về small talk. Điều quan trọng cần nhớ là mọi hành động lời nói đều có hai cấp độ. Ở một cấp độ, nó truyền đạt thông tin hoặc ý tưởng. Đây là nội dung ngữ nghĩa của bài phát biểu, tức là ý nghĩa của các từ.

Ở một cấp độ khác, nói chuyện là một hành vi xã hội. Mỗi lời nói là một hành động, không chỉ dùng để truyền đạt thông tin mà còn có những chức năng khác như trấn an, công nhận, ra lệnh, từ chối, thống trị, khuyến khích hoặc chỉ đơn giản là lấp đầy sự im lặng khó xử. Chúng ta có thể coi đây là nội dung xã hội của việc nói. Khác với cách ta phân tích nội dung ngữ nghĩa, nội dung xã hội trong giao tiếp không thể được hiểu một cách tách biệt, chỉ bằng cách xem xét nghĩa các từ. Nội dung xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào bối cảnh, vào giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể, vào vai trò giữa các cá nhân đang được thực hiện, vào các dấu hiệu lịch sử và môi trường. Nó chỉ có ý nghĩa liên quan đến ngữ cảnh.

Tất cả các hành vi lời nói đều hoạt động ở cả hai cấp độ, nhưng tỷ lệ giữa nội dung xã hội và nội dung ngữ nghĩa khác nhau, tùy theo từng trường hợp. Trong một số trường hợp, việc giao tiếp chỉ đơn thuần là truyền đạt thông tin như việc một bác sĩ phẫu thuật tường trình lại ca phẫu thuật của cô ấy; một phi công giám sát mô tả hướng đi của quân địch; một giảng viên đại học mô tả một tập lịch sử.

Nhưng các trường hợp thuần túy là truyền đạt thông tin có tần suất không nhiều, hầu hết chỉ có trong các môi trường chuyên môn hoặc học thuật chuyên biệt.

Small talk thì ngược lại: nó là lời nói ưu tiên nội dung xã hội. Hãy xem xét một cuộc hội thoại thông thường như thế này:

“Công việc dạo này thế nào?”
“Vẫn tốt bạn ạ”

Nội dung hội thoại trên không có nhiều giá trị về mặt thông tin (Thậm chí là nói sai vì thực tế nhiều khi “vẫn tốt” có thể thể thực chất là “Tôi sắp nghỉ việc đến nơi!”). Nhưng chức năng chính của những hành vi lời nói đó là mang tính xã hội, không phải để truyền đạt thông tin vào đó mà để làm điều gì đó, tức là tiếp xúc, khẳng định lại tư cách thành viên chung trong một nhóm, một hội (bất kể nó có thể là gì), bày tỏ cảm xúc tích cực, thể hiện sự quan tâm, v.v. Vì thế, small talk thực sự không “nhỏ” chút nào.

Small talk – đặc biệt ở dạng thuần túy nhất, chỉ đơn giản là nói thành lời – xuất hiện trong bối cảnh mà ngôn ngữ có tính chất nghi lễ. Việc truyền đạt các ý tưởng hoặc thông tin là thứ yếu, hầu như là ngẫu nhiên; lời nói chủ yếu nhằm phục vụ mục đích gắn kết xã hội. Người ta hỏi và trả lời những câu hỏi quen thuộc, xoay quanh các chủ đề dễ tạo sự hòa đồng, và chú trọng vào cảm xúc của người nói hơn là nhằm tạo ra sự bất đồng hay gây hấn.

Điều này giúp giải thích lý do tại sao các tin tức về thể thao thường là chủ đề phổ biến trong small talk, đặc biệt là đối với nam giới. Các sự kiện thể thao là sự mô phỏng xung đột không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chúng tạo ra một lượng lớn thông tin cụ thể. Chúng là một công cụ tạo nội dung cho small talk vô cùng hiệu quả.

Để “nói tốt” theo nghĩa xã hội, để thành thạo trong việc gửi các tín hiệu xã hội chính xác, là một kỹ năng khác với “nói tốt” theo nghĩa giao tiếp thông tin. Và không phải lúc nào hai kỹ năng này cũng đi đôi với nhau. Chúng ta đều có thể tìm ra một người nào đó cực kỳ mạnh miệng và hùng hồn trong khoản lập luận nhưng lại kém về mặt xã hội, hoặc một người nào đó có vẻ thoải mái trong hầu hết mọi tình huống giao tiếp xã hội nhưng lại nội dung lời nói của họ lại không có độ sâu sắc.

Và rồi chúng ta có thể tìm thấy một số người hiếm hoi dường như thành thạo cả hai. Người này có thể vừa tạo nội dung ngữ nghĩa hay, mà nội dung xã hội của họ cũng hay nốt! Tôi không phải là một trong những người đó; đối với tôi, nhìn cách họ nói như xem một buổi biểu diễn ảo thuật vậy.

Tôi biết  tôi muốn nói gì, nhưng tôi không biết nên nói thế nào cho duyên

Tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều với vai trò giao tiếp thông tin của ngôn ngữ hơn là vai trò xã hội. Những lựa chọn trong đời của tôi trong cuộc đời lại càng khiến tôi có xu hướng lệch sang một chức năng giao tiếp. Tôi đọc nhiều hơn tôi nói chuyện với mọi người. Tôi viết nhiều hơn là nói chuyện với mọi người. Tôi thường tránh small talk bất cứ khi nào có thể. Giống như việc tập thể dục vậy, nếu ta chỉ tập luyện một nhóm cơ này mà bỏ đi nhóm cơ khác, thì phần cơ luyện tập sẽ phát triển, còn phần cơ không được tập luyện thì tất nhiên là sẽ… tong teo thôi.

Chưa kể, small talk còn liên quan đến các tầng lớp xã hội: Với những người có đặc quyền đặc lợi, họ có thể điềm nhiên bỏ lơ những tín hiệu xã hội. Với các nhóm ít đặc quyền, thì small talk vô cùng quan trọng trong đời sống. Small talk có vai trò không hề nhỏ đối với họ.

Khi gặp ai đó, tôi có cảm giác như mình đang phải xử lý rất nhiều nhiệm vụ: Tôi phải cố gắng (1) duy trì giao tiếp bằng mắt, cảm giác giống như đang cầm một sợi dây tiếp xúc có dòng điện mức thấp chạy qua và (2) nghĩ về những điều cần nói để truyền tải các tín hiệu xã hội chính xác, mặc dù tôi ‘tôi không chắc các tín hiệu xã hội chính xác là gì, trong khi (3) đảm bảo rằng không có điều nào trong số những điều tôi nói mang lại bất kỳ chủ đề gây tranh cãi hoặc căng thẳng về cảm xúc nào, mặc dù đó là những chủ đề tôi quan tâm nhất và (4) che giấu sự thật rằng trong đầu tôi là một đám khói lùng bùng và tôi rất muốn thoát khỏi việc phải tương tác này.

Nếu bạn là một người có thể dễ dàng small talk, dễ đến mức bạn không nảy may suy nghĩ gì về điều đó, thì bạn nên dừng lại một chút để biết ơn. Đó là một kỹ năng quan trọng, một kỹ năng mà nhiều người thiếu và không bao giờ được dạy.

Và nếu bạn gặp tôi ngoài đường, đừng hỏi tôi về thời tiết hay thể thao. Hãy cứ hỏi tôi về chính trị, tôn giáo hoặc ý nghĩa của cuộc sống nhé! Chúng ta sẽ hợp nhau cho mà xem.

Dịch từ Why small talk is so excruciating, của David Roberts, Vox

Leave a Comment