Tiên học lễ, hậu học văn?

Mấy ngày qua, “Tiên học lễ, hậu học văn” đang được bàn luận rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Câu chuyện xuất phát từ đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu trên của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trần Ngọc Thêm.

Nhận thấy đây là một chủ đề thời sự đáng được dành thời gian để bàn bạc, Nhóm Tâm lý học Ứng dụng đã mở ra buổi thảo luận về ‘Tiên học lễ, Hậu học văn” , với hướng tiếp cận nhìn vào thực tiễn giáo dục của nước nhà để bàn luận về chuyện “bỏ hay không bỏ?”.

Trong tập podcast này, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu:

  1. Khái niệm Lẽ – Văn
  2. Chuyện Tiền – Hậu: cái gì nên đứng trước?
  3. Chuyện Học: Học là gì và Ai là người học?

Powered by RedCircle

Bài viết dưới đây tóm tắt lại những ý chính được nêu ra trong podcast.

“Lễ” và “Văn” là gì?

Chữ “Lễ” có thể được giải thích theo ngôn ngữ quy chuẩn, từ điển, dựa trên quan điểm của Nho giáo:

“Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới,cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có lễ không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ” (Lễ ký: Khúc lễ thượng)

“Trong cái nghĩa rộng chữ lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái qui củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ là làm thì phải tội. Người làm điều trái lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử” –Hồ Thích Chi nói trong sách “Trung Quốc triết học sử”

Mặt khác, khi bàn tới ý nghĩa của Lễ trong bối cảnh hiện đại, các ý kiến cho là Lễ không phải nhất thành bất biến, cả việc học lễ và dùng lễ biến chuyển và thay đổi: tuỳ năm tháng, giai đoạn, trình độc học vấn, lúc học lễ này, lúc học lễ khác… Tương quan lễ và văn còn được đẩy tới cả ý lúc từ lễ trước, lúc cần văn đầu…

Một cách tiếp cận khác là chú trọng lễ như ‘lễ vật’ từ đó đặt vấn đề về sự trân quý được có thân này, làm người; lên quan ‘thân giáo’ (thậm chí, ‘thai giáo’ khi người phụ nữ mang nặng đẻ đau, sinh thành em bé): câu chuyện giáo dục con trẻ ngay năm tháng đầu đời…

“Sự sống, sinh mệnh của chúng ta chính là 1 món quà của tự nhiên. Tiên học Lễ là học cách hiểu về món quà này (tức hiểu về cơ thể vật lý, cảm xúc, sở trường, sở đoản của mình. Hậu học Văn là học kiến thức, tri thức để có thể biểu đạt được giá trị của món quà này ra thế giới bên ngoài.
Nói cách khác thì đó là câu chuyện học tập từ nội tại ra đến ngoại tại , từ sự hiểu thực sự cho đến hành vi thực tế.”–Trương Mạnh Linh–

Cái gì nên trước, cái gì nên sau?

Buổi thảo luận không sa vào hoặc ưu tiên tầm chương trích cú để nhắc nhở và lấy Luận ngữ, Lễ ký làm cơ sở trao đổi. Dù vẫn đề cao vai trò của Nho giáo và sự thấm nhập của nó vào văn hoá Việt Nam hàng ngàn năm nay, những người trẻ chủ yếu coi trọng và bàn luận về cách hiểu lễ- văn trong bối cảnh đời sống hiện đại bây giờ.

“Mình có thể xét đến những quốc gia, nơi mà người ta không có hô hào khẩu hiệu “Tiên học lễ”, thì họ có thiếu lễ nghĩa hơn là những quốc gia hô hào khẩu hiệu này hay không? Có lẽ câu trả lời có thể là không.” – Trang Ngô-

“Chữ Lễ không có hàm ý gì đó nhu nhược, hay thụ động. Mà nó chỉ là một thái độ sống tích cực và hòa hợp trong xã hội. Còn cái Văn thuộc về phạm trù tư duy phản biện. Mà một con người có tư duy phản biện, cộng với thái độ sống là điều mà xã hội nào cũng cần. Em nghĩ là như vậy.” – Tuyết Nương –

Sự so sánh với các nền văn hoá ngoại quốc, nơi không treo khẩu hiệu, góp phần lý giải tính không hoàn toàn toàn đúng đắn khi cho rằng lễ khắc chế, gây cản trở cho sự chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh. Vì học sinh lễ phép với thầy cô giáo, ngược lại thầy cô giáo phải làm gương cho học trò, trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Lễ được xem là là thái độ, đạo đức trong khi sáng tạo thì gồm nhiều yếu tố tạo thành năng lực, tính cách, môi trường, cấu trúc và mỹ học xã hội… Quy lễ là nguyên nhân khiến hạn chế tư duy phản biện vì thế, khá khiên cưỡng.

Chuyện “Học”

Ngoài ra, dù đề cập chuyện ‘học’ (theo nghĩa ‘bắt chước’ và làm sáng rõ, khơi thông giềng mối’) song chúng ta vẫn chưa thực sự chú trọng quan tâm, tìm hiểu khía cạnh ‘ai’ học, và những điều kiện nào đảm bảo cho việc tự học, tự chịu trách nhiệm việc học, học theo tư tưởng khai phóng, dân chủ, sáng tạo…

“Có vẻ chúng ta nói rất là nhiều về khía cạnh giáo dục dân chủ, sáng tạo trong giáo dục, đổi mới tư duy,… Nhưng chúng ta lại không hay đề cập đến không gian để cho người học tự đối thoại. Bởi vì khi người học không có không gian để tự suy ngẫm, tự phản tỉnh (self-reflection) như thế, thì làm sao việc học có hiệu quả được? Cho dẫu có thể giáo viên không ổn thỏa cho lắm, thì vẫn có lựa chọn đó là khả năng tự phản tỉnh và đối thoại của người học. Đây là thứ rất quan trọng để chúng ta có thể tạo ra hy vọng hay mong đợi vào những điều tốt đẹp cho nền giáo dục ở Việt Nam. Vậy việc bỏ hay không bỏ “Tiên học lễ, Hậu học Văn” nó có tạo ra được không gian tự đối thoại, tự suy ngẫm cho người học như thế không? Để mà người học có thể tự chịu trách nhiệm, tự học cho chính mình không?” — Ngô Toàn–

Kết

Khởi đi từ thực tiễn giáo dục và khép vòng cũng dựa trên thực tiễn giáo dục, tự thân các thành viên tham gia thảo luận là chứng nhân của nền giáo dục trong sự tồn tại của câu khẩu hiệu, dù là nạn nhân, bất mãn, hay hài lòng, hoặc băn khoăn chưa đích thị xác lập quan điểm… Vô hình trung, phản ánh đề nghị của GS Thêm tạo tác cơ hội suy tư về triết lý giáo dục của nước nhà cũng như thành quả của giáo dục ở những người đã ra đời, đang làm cha, làm mẹ, tiếp tục cống hiến trong ngành giáo dục… Và vì thế, bàn về câu khẩu hiệu không thể chỉ đóng khung trong bối cảnh trường lớp, vì giáo dục học đường có mối gắn bó chặt chẽ với giáo dục gia đình, và giáo dục xã hội.

Leave a Comment