Trạng Thái Đóng Băng Khi Căng Thẳng Quá Mức

Chuyên đề Inertia in stress & Imposter Syndrone đã được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 21/12/2019

Chia sẻ của học viên:

“Ngày Chủ Nhật vừa rồi nhóm học tại Sài Gòn đã tìm hiểu về Imposter Syndrome – một hội chứng cho chúng ta cảm giác không tương xứng, không phù hợp, bị chối bỏ cho dù tất cả những thành công và thành quả rõ ràng từ những gì ta làm. Từ đó, ta dễ có sự chỉ trích bản thân lẫn người khác, cảm thấy bị tê liệt và đóng khung trong đống cảm xúc bủa vây, chán ghét những cảm xúc tiêu cực này, cảm thấy cứng đờ và đơ ra trong những tình huống cần có hành động và quyết định dứt khoát.

Như thường lệ, nhóm học không đi quá sâu vào mổ xẻ lý thuyết hay các nghiên cứu đơn thuần, nhóm tập trung thực hành ứng dụng những nền tảng học thuật thầy cung cấp vào những câu chuyện thực tế mà mỗi học viên mang đến.

Từ những câu chuyện được học viên chia sẻ, nhóm học phân biệt được đâu là những triệu chứng do hội chứng này mang đến, đâu là những dấu chỉ của những rối loạn không liên quan. Chúng ta cũng đã phân biệt sự khiêm cung giả tạo của hội chứng này với tinh thần của kẻ sơ tâm (beginner) rồi với thái độ vừa không ngừng học hỏi, liên tục thực hành vừa đảm bảo có thành tựu và đóng góp thực tế.

Từ đó tìm hiểu được cách nhận diện, gốc rễ hình thành những cảm giác ấy cũng như một số chỉ dẫn để đối diện và vượt qua chúng. Cụ thể như là:

  1. Làm việc với cơ thể, bao gồm năng lực nhận diện những chuyển biến trong cảm xúc, cũng như nguồn năng lượng trong cơ thể. Từ đó nhận diện được sự tắc nghẽn đang hiện diện ở đâu, để có thể tạo ra cân bằng nội môi (homestatics)
  2. Học cách chấp nhận sự mềm mại, yếu đuối của bản thân như là một cơ hội để chuyển hóa, từ đó có thể giữ được sự bình tĩnh, từ ấy trí tuệ mới có mặt, giúp ta nhìn thấy được nhiều khả thể khác trong đời sống.
  3. Học cách kết nối với thân-tâm thông qua những bài tập rèn luyện khác (mà thầy đã cung cấp thông qua rất nhiều buổi học trước đó).
  4. Thư giãn đúng cách, khác với kiểu giải trí bằng lối sử dụng âm nhạc, phim ảnh, sách báo, các chất kích thích,… khiến cho các giác quan và tâm trí hoạt động không ngừng. Thư giãn đúng cách là dừng toàn bộ việc tiếp xúc/đưa thêm những yếu tố ngoại lai chi phối các hoạt động cơ thể, để chúng được tạm dừng hoạt động.
  5. Cuối cùng, học cách không phán xét, ghét bỏ bất kì trạng thái tiêu cực nào của bản thân, vì chúng là những xung năng tạo điều kiện cho ta đặt ra hai câu hỏi lớn trong đời: Đầu tiên là ta bị người chất vấn ‘nghĩ mình là ai’, sau đó tự vấn ‘ta là ai’, rồi nảy sinh ‘các giá trị nào ta có’, từ đó, đẩy tới ‘ta đóng góp gì cho đời’. Nhờ thế, chuyển từ cảm giác nghĩ mình giả mạo, tự chỉ trích, ghét bỏ, ngờ vực bản thân sang khẳng định, nhất quyết, động cơ mạnh mẽ.

Năm 2019 đã kết thúc với những trải nghiệm thật tuyệt vời. Riêng con/em/mình, với vai trò là học viên, cũng như người quản lý học việc cho thầy trong một năm qua, đã nhận lấy nhiều lợi ích thực tế mà chính những người thân bên cạnh đã nhìn thấy rõ. Có được điều này, là nhờ sự ủng hộ, đóng góp, tham gia nhiệt tình của tất cả học viên đến lớp. Con/Em/Mình, và thay mặt cả nhóm hỗ trợ, cùng thầy, chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể những đóng góp trong năm qua. Kính chúc cả nhà có nhiều sức khỏe, và một năm mới nhiều hoạt động hữu ích.

Vài ngày nữa chúng con/em/mình sẽ đưa ra thông báo về cách hoạt động mới có phương pháp nhất quán hơn cho năm 2020. Kính mong nhận được sự ủng hộ của cả nhà.”

Leave a Comment