Vô Thức (Unconsciousness) Là Cái Chi Chi

Chuyên đề đã được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 10-11/8/2019

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học:

“Chào các bạn, bất chấp nắng nóng nhờ màn che trướng rủ đàng hoàng, khéo léo lựa chọn lối đi đẹp giữa sự quy thuận và dấn thân, trong không gian cởi mở đủ thoáng rộng, chúng ta đã chịu khó tìm hiểu khá kỹ càng ‘ngôi nhà tàng chứa’ (alaya vijana) tức ‘Vô Thức’ (unconscious) tưởng quen mà quá chừng xa lạ.

Dành vài phút làm bài tập đề nghị thở sâu rồi nhận diện cảm giác xuất hiện kèm 10 lý do nó khởi lên là minh hoạ dễ hiểu cho nơi chốn vốn xảy ra các tiến trình tâm lý thẳm sâu: là cái kho của các kỹ năng tự động, nguồn lưu giữ và thường đè nén của các ký ức từ trải nghiệm sang chấn, huyễn tưởng, trực giác và vô vàn giấc mơ, đấy còn là nơi không ngừng xử lý thông tin…Ngay cả ghi nhận phù phiếm bất chợt cũng có thể để lại dấu ấn lâu dài trước khi được nắm bắt, mọi thứ thuộc vô thức khó đoán định sự xuất hiện, theo nhiều lối cách khác biệt; những rò rỉ, ứa thấm ra thế giúp người ta tỏ tường hơn về trạng thái nội tâm cũng như động cơ ứng xử của bản thân. Đây là cơ sở lý giải các nhiệm vụ triển khai thực hành cụ thể: ý thức (awareness) về tính bao la và tính không thể nhận biết của vô thức; cũng như cần tỉnh thức (mindfulness) về các cảm xúc sinh, diệt trong từng khoảnh khắc. Tức, không những đòi buộc làm việc với trạng thái điều kiện hoá miên man (conditioning), vô thức còn đem lại khả năng giúp mình tự chuyển hoá (transforming) tốt lành nhờ dọn dẹp hiệu quả, đón nhận trái quả từ cây đã trồng sẵn rồi cẩn thận gieo hạt, vun bồi cho mùa vụ, cuộc đời hiện tại thật ưng ý. Tiếp cận đề tài từ hướng ứng dụng thực tế sát sườn với đời sống hàng ngày của cá nhân, chúng ta đã học hỏi và trải nghiệm các khái niệm ấn tượng liên quan như thái độ ưng thuận quy hàng (surrender), ‘sự gắng chịu làm chứng’ (bearing witness), hoặc học hỏi khái niệm ‘individuation’ của Carl Jung khi nó trỏ tiến trình dần trở thành cá thể tách biệt một cách toàn thể bất khả chia cắt, nhận biết khả năng nguyên uỷ để sống cuộc đời riêng có độc sáng. Tư duy bị điều kiện, các ứng xử lặp lại, vận hành theo thói quen, chúng ta bị chi phối và tác động bởi lối suy nghĩ phân tích, xoay quanh ‘tôi, của tôi, thuộc về tôi’; nhờ đặt qua bên và vượt lên trên nhu cầu chú mục vào bản thân, chúng ta tiến vào nơi chốn mang không gian ý thức rộng rãi mà ở đó hiện hữu sự tĩnh lặng cùng tinh thần sẵn lòng tiếp thu mọi điều chắc thật như nó là của một thực tại toàn thể, hợp nhất, kết nối và liên quan với nhau của đời sống nơi này. Chúng ta cũng đã chỉ rõ các lợi lạc về tâm lý, tâm linh, chính trị- xã hội của thái độ gắng chịu làm chứng thông qua thực hành ngồi xuống (sitting meditation) nhằm trải nghiệm sự gần gũi, thân mật với thân- tâm của chính chúng ta. Nếu thuận duyên, sang năm chúng ta sẽ tiến hành dự án tiếp tục nâng cao trải nghiệm thái độ dấn thân tích cực và tốt lành này ở ngoài đường phố: xác định ai cần mình; có mặt ở đó, và có mặt với sự quy thuận rỗng không (empty); và phục vụ tình huống… Chủ đề được đa số bầu chọn cho lần gặp tới (5-6.10) nằm trong nội dung cuốn sách chuyển ngữ mang tên ‘Phải|Trái|Đúng|Sai’ (Michael Sandel, Justice: What’s the Right Thing to Do, 2009); mà cơ bản tập trung vào chương 5: ‘Động Cơ Mới Quan Trọng: Immanuel Kant’ bàn luận về ‘đạo đức và tự do’ với mối quan hệ giữa tình dục, sự dối trá, và chính trị qua vụ án tình ái của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Cliton và cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Lời cuối. Một số thông tin hỗ trợ cho những ai muốn khám phá khía cạnh học thuật của chủ đề Vô Thức:

1- Truth and the Unconscious in Psychoanalysis (Civitarese, 2016);

2- Intersubjective Processes and the Unconscious: An Integration of Freudian, Kleinian and Bionian Perspectives (Brown, 2011);

3- Key Ideas for a Contemporary Psychoanalysis: Misrecognition and recognition of the unconscious (Green, 2005);

4- Psychoanalysis and Philosophy of Mind: Unconscious Mentality in the Twenty-first Century (Boag, Brakel, & Talvitie, 2015;

5- Some Comments on The Freudian Unconscious, (Modell, 2013);

6- The Rational Unconscious: The Freudian Mind Unconscious Reconsidered (Tauber, 2013).

Cuối tuần yên bình, đến hẹn lại lên.”

Leave a Comment