Cố tròn thành méo: Người cầu toàn có thể tự hạn chế bản thân (self-handicapping) như thế nào?

Bạn có phải là người cầu toàn? Hãy cẩn thận, bạn có thể tự làm tổn hại đến thành công của mình đấy!

Có lẽ cụm từ “người cầu toàn” được nhiều người dùng để mô tả bản thân. Tuy nhiên, giống như một quả cầu pha lê, cầu toàn có rất nhiều mặt biểu hiện khác nhau. Những người cầu toàn ở những mặt khác nhau sẽ có những hành vi tự làm tổn hại mình (self-handicapping) theo cách khác nhau. Đó là kết quả của bài nghiên cứu về mối quan hệ giữa Self-handicapping & sự cầu toàn của Hobden Karen Pliner & Patricia (2002). Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu ngắn gọn với bạn nghiên cứu này.

Tự hạn chế mình (Self-handicapping) là gì?

Bạn có bao giờ viện cớ mình không có thời gian để lý giải cho việc không có bồ? Hay bạn từng đổ việc thức đêm thức hôm là lý do “không may” bị điểm kém? Hoặc cho rằng thời tiết xấu nên mới bị sếp mắng?…Nếu bạn hay lý do lý trấu cho mọi thứ tệ hại xảy ra với mình, thì khả năng cao là bạn đang self-handicap.

Self-handicapping là từ lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1978 bởi Steven Berglas và Edward Jones để mô tả “bất cứ hành động hay lựa chọn nào có thể tăng lý do để đổ lỗi thất bại cho hoàn cảnh bên ngoài, trong khi đề cao thành công do những yếu tố liên quan đến bản thân.” Self-handicapping bao gồm việc tạo ra những cản trở hoặc tự làm hạn chế mình để đạt được thành công. Nếu như thất bại xuất hiện, thì thất bại đó có thể được đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài hơn là chấp nhận sự thiếu năng lực của bản thân. Nhưng nếu gặp quả thành công, thì self-handicapper sẽ tự nhận sự thành công là do bản thân.

Dù có thừa nhận hay không, thì khả năng cao là bạn đã từng ít nhất một lần tự hạn chế bản thân mình. Bởi hành vi tự hạn chế bản thân được thực hiện trong vô thức, và nó không hoàn toàn xấu. Chúng giúp chúng ta bảo vệ và gìn giữ hình ảnh đẹp đẽ về bản thân mình trong mắt người khác và chính mình (dù gì thì, nghĩ mình tốt vẫn dễ vui hơn là nghĩ mình xấu, nhỉ?). Tuy nhiên, chiến lược này cũng có mặt trái của nó, và để lại những hậu quả cả về mặt ngắn hạn lẫn dài hạn. Những người liên tục tự hạn chế bản thân thường có là những người có lòng tự trọng thấp (low self-esteem), tâm lý bất ổn (neuroticism), dễ sử dụng chất kích thích, trầm cảm,…

Thế nào là người cầu toàn (perfectionist)?

Khi nói về sự cầu toàn, chúng ta thường hình dung một con người đề ra những tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên, cũng giống như mọi thứ trên đời, sự cầu toàn có rất nhiều hình thái và phương diện khác nhau. Hewitt và Flett (1991) đã đề xuất ra những thành phần khác nhau cấu tạo nên tính “cầu toàn”, được phân biệt dựa trên thứ mà người cầu toàn hướng đặt kỳ vọng cao:

Những người cầu toàn hướng đến bản thân (self-oriented perfectionist) là những người đề ra những tiêu chuẩn cao trong hành vi của họ, xuất phát từ nhu cầu nội tại của họ muốn trở thành người hoàn hảo: họ tự tạo ra mục tiêu của mình, liên tục muốn tăng hiệu suất của mình, nỗ lực đạt được sự hoàn hảo và tránh xa sự thất bại.

Những người cầu toàn theo chuẩn mực xã hội (socially prescribed perfectionist) lại là những người muốn bản thân họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao do những người thân thiết và gần gũi với họ đặt ra (như cha mẹ, anh chị em, người yêu,..). Họ cảm giác rằng mình luôn bị đánh giá và cho rằng những người khác có những kỳ vọng cao ngất ngưởng đối với họ.

Những người cầu toàn hướng đến người khác (other-oriented perfectionist) lại đặt tiêu chuẩn cao cho người khác. Ví dụ, muốn người yêu mình vừa xinh đẹp, giỏi giang lại ngoan ngoãn; bố mẹ mình phải luôn để ý đến mình, động viên mình, vỗ về mình;…

Bài nghiên cứu được dẫn dưới đây chỉ tập trung so sánh sự tự hạn chế bản thân giữa người cầu toàn hướng đến bản thân và người cầu toàn theo chuẩn mực xã hội.

Nghiên cứu được diễn ra như thế nào?

Sau khi hoàn thành bài test khó hoặc dễ, những người tham gia nghiên cứu đều được nhận phản hồi là họ đã hoàn thành xuất sắc. Tiếp theo, họ được yêu cầu thực hiện bài test thứ hai, nhưng lần này họ được yêu cầu vừa làm bài vừa nghe nhạc, trong đó họ được lựa chọn nhạc hỗ trợ hoặc nhạc cản trở quá trình thực hiện bài test này.


Một nửa số người tham gia được lựa chọn nhạc trong không gian riêng tư (người nghiên cứu không biết được số điểm bài test thứ hai của họ). Một nửa còn lại được lựa chọn nhạc trong không gian công cộng (người nghiên cứu có mặt ở đó và họ được nhận phản hồi ngay lập tức từ người nghiên cứu liên quan đến điểm số của bài test thứ hai. Mỗi người tham gia đều thực hiện bài test đánh giá các chiều kích khác nhau của tính cầu toàn (theo Hewitt và Flett, 1991)

Kết quả nghiên cứu nói lên điều gì?

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người không thực sự vượt qua bài test số 1 (vì khó) sẽ có xu hướng lựa chọn nhạc cản trở họ làm bài test số 2 hơn là những người thực sự vượt qua bài test số 1 (vì dễ).
Người nữ tham gia nghiên cứu ít có xu hướng tự hạn chế bản thân như người nam. Điều này có thể được lý giải bởi người nam thường nhạy cảm hơn với việc gặp thất bại so với người nữ. Tuy nhiên, kết quả này cần có những nghiên cứu thêm để có thể khẳng định
Nhưng điều thú vị nhất được chỉ ra trong nghiên cứu là khi sự tương tác giữa biến về không gian (riêng tư hay công cộng) và biến về khác biệt về chiều kích cầu toàn. Những người hay cầu toàn theo chuẩn mực xã hội (socially prescribed perfectionist) sẽ có xu hướng tự hạn chế bản thân ở không gian công cộng nhiều hơn, trong khi những người hay cầu toàn hướng về cá nhân (self-oriented perfectionist) sẽ tự hạn chế bản thân nhiều hơn bất kể không gian họ đang ở là công cộng hay riêng tư.


Nghiên cứu củng cố nhận định của Hewitt và Flett rằng hai chiều kích cầu toàn khác nhau về động lực ngầm ở dưới: người cầu toàn theo tiêu chuẩn xã hội tự hạn chế bản thân để bảo vệ hình ảnh cá nhân của họ trong mắt người khác (impression management); trong khi người cầu toàn hướng đến bản thân mình tự hạn chế bản thân như một cách để bảo vệ cái tôi của mình, bất chấp là ở không gian công cộng hoặc không gian riêng tư.

Leave a Comment