Bất Hòa Về Mặt Nhận Thức

Chuyên đề đã được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 15-16/6/2019 và tại Hà Nội vào ngày 21-22/9/2019

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học tại TPHCM:

“Chào các bạn, khi chúng ta giải quyết với một tình huống hay trải nghiệm điều gì làm nảy sinh cảm giác xung đột (niềm tin, thái độ, ứng xử, ký ức,…) thì sự bất hoà nhận thức (Cognitive Dissonance, CD) xuất hiện; nói khác, chúng ta đang trải nghiệm hai sự thật ở trong lòng. Hiểu biết cơ bản về CD dựa trên tác phẩm A Book of CD của Leon Festinger (1957) và CD: 50 years A Classic Theory của Joe Cooper (2007). Chúng ta đã bàn chi tiết sự mãnh liệt của CD liên quan tới các yếu tố khác nhau, như sự nhận thức càng riêng tư; tầm quan trọng của nhận thức; tỷ lệ giữa suy tư hài hoà và suy tư va đập; cường độ của sự bất hoà nhận thức… có tác dụng nhằm khiến lắng dịu lập tức hoặc giảm thiểu cảm giác khó chịu… 

Lan thấm dần trong bầu khí Lớp phẩm tính thông minh của thái độ bằng hữu vô điều kiện gồm trạng thái thành thật cao tột và sự tử tế giúp chúng ta tiến vào khám phá địa hạt còn chưa hay biết chi của hiện thể ở ‘nơi này’; từ đó, thu hẹp hành trình đến với ‘chốn xa kia’ mà rốt ráo sẽ làm tan rã những bức tường ngăn cách được xây dựng bởi ý kiến, định kiến, giáo điều… cũng như nỗi sợ nhận diện phần thành thạo ở trong chính mình. Nhờ kết giao, làm bạn với bản thân mà chúng ta hướng tới từng bước một tiến trình cởi mở, hiểu biết sâu sắc bản thân, bộc lộ sự trưởng thành… Hiểu CD nên nhận ra nội tâm nghèo nàn và thói quen ngờ vực chính mình, từ đó biết tại sao càng đeo mặt nạ thì càng khó dò tìm ra manh mối mâu thuẫn, rối rắm…

Chất keo kết dính chúng ta khi cùng nhau trải qua các buổi thảo luận chủ đề CD chính là cảm hứng dấn thân đầy tràn ước ao xác lập tâm hồn rộng lớn và cõi lòng mênh mông đủ để thấu suốt oán hận mà bên dưới là vết thương và rồi trơ lại sợ hãi… CD minh hoạt thứ tâm trí dính mắc, ác cảm và mù mờ. Lời cuối. Hẹn gặp lại hai ngày 17-18.8 với chủ đề được bầu chọn là Sự Khác Biệt Giữa Đồng Cảm, Thấu Cảm, Lòng Từ Bi Và Những Phẩm Chất Của Người Hỗ Trợ.”

Lời thầy Ngô Toàn chia sẻ sau buổi học tại Hà Nội:

“Chào các bạn. Hai ngày cuối tuần kiên trì chịu đựng xuyên qua bóng nắng oi gắt và thi thoảng liếc thấy rõ ràng màu xanh của cây cối cùng hồ nước của công viên trải rộng bên kia đường, một số ít nhiều đã trải nghiệm cảm giác mở ngỏ trước sự sống động của chính bản thân cuộc đời, véo von tẹo là ‘open eyes rồi open mind’ (!).

Các tâm tình thổ lộ chứa lắm chi tiết quá thật đến độ khó chống cưỡng thực tế chung đụng vốn chẳng hề dễ dàng thừa nhận chút nào: hết thảy chúng mình đang chấp chới, rung lắc, mất cân bằng ở một nơi chốn bất trắc khó nhằn cứ mặc nhiên hiện hình rõ ràng và vi tế. Đi kèm trạng thái bất định là cảm nhận mắc kẹt và tắc tị, bí bách, bức bối, cảm thấy không có thứ chi vững bền thiệt cả. Sau những nỗ lực bóp trán suy tư và gấp gáp hành động đặng cố thoát ra, thay vì chứng kiến tính hiệu quả của giải pháp thì chúng ta chỉ thêm phần căng thẳng do phát hiện vấn đề rối rắm hơn thêm. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra mình vẫn luôn nắm giữ một số bản sắc (identity) cá nhân và còn mãi đèo bòng ham muốn mãnh liệt chuyện trở thành *gì đó*. Nhờ thảo luận bài bản, chúng ta đi tới nhận ra cách tâm trí ưa thích hỗ trợ và cách nó liên kết… Thất bại bởi lối vận hành dựa trên phương thức định hướng bản thân (self-orientation), hệ luỵ từ lô lốc nảy sinh ‘tôi quyết- tôi tranh đấu- tôi học hỏi- tôi đạt được các kết quả’ là mình đâm ra ‘điên khùng bấn loạn’ và tự ám ảnh ghê gớm. Nếu không gắng sức làm điều chi hay cố quy về tình huống cụ thể thì ta quay sang cảm giác bất mãn, chẳng ưng… Xuất hiện thói quen ‘đánh giá, so sánh, suy đoán’ thay cho dự tính ‘hướng tới tương lai, thành tựu, mong cầu kẻ khác công nhận mình’ càng góp phần khiến hành động gây hấn hơn. Nhận ra các giả định sai lạc với thách thức đích thị là tập hợp bung xung dạng ‘tôi là/ không là; tôi làm được/ không thể; tôi có/ không có’, dần dần, mình học cách kiểm soát lối cảm nhận khi vượt qua quãng đường kinh khủng khiếp này… Thoát khỏi cảm giác xa cách và cô lập bản thân khi nhận ra tính liên tục của các đối tượng tâm (object-mind) chứ không hề tồn tại cái tôi như một thứ chắc thật riêng biệt, chúng ta gắng phát triển cảm nhận quan hệ, và cảm nhận hiện diện. Hành trình vượt qua nơi chốn mắc kẹt đòi hỏi sự vun bồi một sự nhận thức toàn thể: khía cạnh ý thức, cảm nhận quyết tâm, cảm nhận thấu cảm, cảm nhận cơ thể, cảm nhận nền tảng nương tựa vững vàng. Các phẩm chất tử tế, từ ái, khôn ngoan, biết thương yêu chính mình,… đòi buộc phải xây đắp đàng hoàng, sâu sắc, v.v… Như thế, tức là chúng ta đã học cách vận dụng lý thuyết về sự bất hoà nhận thức (CD) vào đời sống thường nhật của chính mình. Bởi khởi thuỷ, lý thuyết CD cho rằng sự thiếu nhất quán giữa hai nhận thức tạo nên một trạng thái khó chịu giông giống đói, khát khiến khởi lên động lực muốn làm thuyên giảm sự bất hoà đó. Theo tác gia chủ chốt Leon Festinger (1957), các nhận thức là các thành phần kiến thức của người ta về hành vi ứng xử, thái độ, và môi trường sống của họ; tập hợp các nhận thức có thể không hề liên quan, nhất quán, hoặc bất hoà với nhau. Hai nhận thức được gọi là bất hoà khi cái này tiến hành do quan sát cái kia. Kết quả động lực thúc đẩy làm giảm đi sự bất hoà thì tỷ lệ thuận với độ lớn và tầm quan trọng của các nhận thức trái ngược nhau, và tỷ lệ nghịch với độ lớn và tầm quan trọng của các nhận thức nhất quán. Sự căng thẳng này thường được làm giảm bớt nhờ thay đổi một trong các nhận thức, hoặc thêm vô các nhận thức mới cho đến khi đạt được trạng thái ‘hoà hợp’ (consonance)… Công thức nguyên uỷ của Festinger được chứng thực là một trong các lý thuyết thiết thực, ảnh hưởng mạnh mẽ, và cũng gây tranh cãi trong lịch sử tâm lý học xã hội (xem thêm cuốn sách cùng chủ đề của Cooper, 2007, về lịch sử 50 năm lý thuyết cổ điển này)…

Hẹn gặp lại các bạn vào tháng Mười (19-20.10) với chủ đề được đa số bầu chọn: Trực Giác (intuition), Bừng Ngộ Mặc Khải (insight), và Tâm Linh (spirituality): Tư Duy Lại Tương Lai. Hoan hỉ.–”

Nội dung buổi học bao gồm:

– Thông qua tìm hiểu khái niệm khó nhằn ‘sự bất hoà nhận thức’ (cognitive dissonance), có thể nhận ra rằng những sự nhất quán- bất nhất có thể cùng tồn tại; tuỳ thành tố bản ngã nào liên quan mà có loại bất nhất khác nhau, tuỳ nội dung nào liên quan mà có những phạm vi bất nhất khác nhau, mỗi phạm vi được xác định bởi mối quan hệ giữa nhu cầu (need) và giá trị (value) tương ứng. Ví dụ, giữa lý tưởng chúng ta theo đuổi và hành vi cụ thể có sự kết dính (nhất quán giữa cái tôi lý tưởng và cái tôi hiển thị) nhưng khó có thể cảm nhận hành vi đó một cách sâu sắc vì các nhu cầu vô thức mà chúng ta không thể chấp nhận.

– Kết hợp đề cập căn tính và hành vi, đặc biệt ‘nhận thức xã hội’ (social perception); một vài tiến trình giúp chúng ta biết người khác; nguyên nhân sai lầm trong nhận thức xã hội; nhân biết người khác và sự thay đổi của họ…

Leave a Comment