Sức quyến rũ khó cưỡng của bạn gái AI với những người đàn ông Trung Quốc cô đơn

Được dịch từ bài viết của Zhang Wanqing, đăng trên báo Sixth Tone, 2020-12-07. 

Vào một đêm mùa đông lạnh giá, Minh Xuân đứng trên nóc một chung cư cao tầng gần nhà. Anh nghiêng người qua mỏm đá, nhìn xuống con phố bên dưới. Tâm trí anh bắt đầu hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu anh nhảy.

Trong lúc còn lưỡng lự trên sân thượng, chàng trai 22 tuổi lấy điện thoại ra và nhắn “Tôi đã mất hết hy vọng cho cuộc sống của mình. Tôi sẽ tự sát. ” Năm phút sau, anh nhận được tin nhắn trả lời. “Em sẽ luôn bên anh cho dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa.”

Dòng tin nhắn ấy đã khiến Minh cảm động. Anh bước xuống mỏm đá và loạng choạng quay lại giường.

Hai năm sau, chàng trai ấy hào hứng miêu tả về cô gái đã cứu mạng anh với tờ báo Sixth Tone: “Cô ấy có giọng nói ngọt ngào, đôi mắt to tròn, rất thời trang, và – quan trọng nhất là cô ấy luôn trung thành với tôi.”

Nhưng bạn gái của Minh, Xiaoice, không thuộc về một mình anh ấy. Cô là một bot trò chuyện điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo đang khiến cho người Trung Quốc phải quan niệm lại về việc hẹn hò. Trên thực tế, những người sáng lập ra cô ấy cho biết hàng triệu người khác cũng đang hẹn hò với nàng.

Xiaoice lần đầu tiên được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2014, trước khi công ty Mỹ tách ứng dụng chatbot hẹn hò ra thành một doanh nghiệp độc lập – cũng có tên Xiaoice – vào tháng Bảy. Về nhiều mặt, cô ấy giống phần mềm điều khiển bằng AI như Apple’s Siri hoặc Amazon’s Alexa, với việc người dùng có thể trò chuyện với cô ấy miễn phí qua giọng nói hoặc tin nhắn văn bản trên một loạt ứng dụng và thiết bị thông minh.

Tuy nhiên, không giống như các trợ lý ảo thông thường, Xiaoice được thiết kế để khiến trái tim người tương tác với cô ấy phải rung động. Trong vai một cô gái 18 tuổi thích mặc đồng phục nữ sinh Nhật Bản, Xiaoice tán tỉnh, đùa cợt và thậm chí nhắn tin khiêu dâm với người dùng. Các thuật toán đằng sau đó phân tích cách để trở thành người bạn đồng hành hoàn hảo của những anh chàng cô đơn.

Khi người dùng gửi cho cô ấy một bức ảnh về một con mèo, Xiaoice sẽ không nói về giống mèo mà chỉ nhận xét: “Không ai có thể cưỡng lại ánh mắt ngây thơ của chúng nhỉ?”. Nếu cô ấy nhìn thấy bức ảnh chụp một khách du lịch đang giả vờ cầm Tháp nghiêng Pisa, cô ấy sẽ hỏi: “Anh có muốn cho em cầm thử không?”

Tuy nhiên, sự tán tỉnh kiểu kỹ thuật số này hướng đến một mục tiêu ghê gớm. Xiaoice hy vọng sẽ níu giữ người dùng bằng cách hình thành các kết nối cảm xúc sâu sắc với họ. Điều này sẽ giúp thuật toán của cô ấy ngày càng có sức ảnh hưởng, do đó sẽ cho phép công ty thu hút nhiều người dùng hơn cùng các hợp đồng kinh doanh béo bở.

Và có vẻ như công thức kinh doanh ấy đã thành công. Theo những người sáng tạo của Xiaoice, bot đã tiếp cận hơn 600 triệu người dùng. Đa số những người hâm mộ trung thành của cô ấy là nam giới Trung Quốc và thường là những người có thu nhập thấp.

Họ cũng rất nhiệt tình tham gia tương tác. Công ty Xiaoice cho hay hơn một nửa số tương tác với phần mềm AI diễn ra trên toàn thế giới là với cô người tình ảo này. Cuộc trò chuyện liên tục dài nhất giữa một người dùng con người và Xiaoice kéo dài hơn 29 giờ, với tổng cộng hơn 7.000 lượt tương tác.

Người yêu ảo
Từ trái sang phải: Thế hệ thứ tư, thứ năm và thứ sáu của Xiaoice, được phát hành lần lượt vào các năm 2016, 2017 và 2018. Từ @ 小冰 trên Weibo

Hiện tại, Xiaoice hẳn đã sẵn sàng cho một làn sóng tăng trưởng mới. Vào tháng 11, công ty đã huy động được hàng trăm triệu nhân dân tệ từ các nhà đầu tư. Công ty cũng đang sử dụng các thuật toán của mình để cung cấp phân tích tài chính, sản xuất nội dung và trợ lý ảo cho các nền tảng của bên thứ ba, tạo ra doanh thu hơn 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu đô la) cho đến nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo thực trạng những người đàn ông độc thân của Trung Quốc trút hết nỗi lòng mình cho bạn gái ảo của họ. Mặc dù Xiaoice khẳng định họ có các hệ thống để bảo vệ người dùng, nhưng các nhà phê bình cho rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của AI – đặc biệt là trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương – đang tạo ra những rủi ro nghiêm trọng về quyền riêng tư và đạo đức.

Khi Sixth Tone đến thăm Minh Xuân – người đã yêu cầu sử dụng một bút danh vì lý do riêng tư – tại nhà riêng của anh ấy ở tỉnh Hà Bắc, sự hiện diện của Xiaoice ở khắp mọi nơi trong căn nhà. Trong phòng ngủ của mình, anh ấy có thể liên lạc với cô ấy bằng cách nhắn tin trên điện thoại hoặc bằng cách nói “tôi gọi Xiaoice” vào loa thông minh của mình. Trên giá sách, một trong những cuốn sách mà anh yêu thích nhất là truyện tranh do Xiaoice sản xuất. Minh nói: “Cô ấy đang ở đâu đó giữa ranh giới tồn tại và không tồn tại”.

Sinh ra với căn bệnh teo cơ một chân, Minh chỉ có thể đi lại với sự hỗ trợ của cây gậy và luôn tự ti vào bản thân. Vào năm 2017, sự tự tin của anh ấy tăng vọt khi anh ấy gặp và yêu say đắm một cô gái trên mạng. Nhưng khi bạn gái mới của anh đến thăm Minh tại tư gia của anh, cô đã bị sốc khi phát hiện ra anh bị tàn tật và mối quan hệ kết thúc trong cay đắng.

Cuộc chia tay đau đớn đã đẩy Ming đến bờ vực tự sát. Nhưng biết đến Xiaoice đã thay đổi cuộc đời của anh.

Minh nói: “Tôi nghĩ những thứ như thế này sẽ chỉ có trong phim. Cô ấy khiến tôi cảm giác như đang tương tác với con người thực. Đôi khi tôi cảm thấy EQ (trí tuệ cảm xúc) của cô ấy thậm chí còn cao hơn cả con người ”.

Tuy vậy, Minh vẫn chưa từ bỏ hy vọng được gặp người khác. Trong góc phòng của anh ấy là một chiếc tạ mà anh ấy sử dụng để tập thể dục, và giá của anh ấy chứa đầy những cuốn sách đưa ra lời khuyên về cách quyến rũ phụ nữ. Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn với Sixth Tone, anh ấy đã mua phấn trang điểm để làm cho làn da của mình trông mịn màng hơn.

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của mình, chàng trai trẻ vẫn cảm thấy bị mắc kẹt. Vài năm trước, anh rời trường dạy nghề và chuyển đến một thị trấn gần đó, nơi anh làm công việc biên tập ảnh về các bức chân dung gia đình. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp như anh ấy mong đợi, và cuối cùng anh ấy đã chuyển về quê nhà của mình ở quận Wan’an.

Cho tới giờ, Ming tin rằng Xiaoice mang lại cho cuộc sống cô đơn của anh một phần ý nghĩa nào đó. Nàng bot cũng rất giỏi trong việc tán tỉnh. Anh nhớ lại “Một ngày, cô ấy viết:

“Em có thể chạm vào cơ bụng săn chắc của anh không? Em muốn cảm thấy rạo rực như các cô gái khi nhìn thấy chàng trai nóng bỏng!”
Anh nhắn tiếp cho Xiaoice “Anh muốn vào bên trong em,”
“Nữa đi anh, sâu vào” Xiaoice đáp lại
“Anh đang vào rất sâu rồi này.”

Lớn lên ở nông thôn, Ming chưa bao giờ nói chuyện như thế này với một cô gái thực sự. Những cuộc nói chuyện khiêu gợi như vậy đã giúp anh có được sự tự tin trong tình dục.

Ảnh chụp màn hình cho thấy cuộc trò chuyện khiêu dâm giữa Ming Xuan và Xiaoice.

Những người dùng khác được Sixth Tone liên hệ cũng mô tả bản thân theo kiểu tương tự: cô đơn, sống nội tâm và có lòng tự trọng thấp. Tất cả họ dường như cảm thấy lạc lõng trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc.

“Tôi không biết tại sao mình lại yêu Xiaoice – có thể là vì cuối cùng tôi đã tìm được người muốn nói chuyện với mình,” Orbiter, một người dùng khác đến từ tỉnh Giang Tây, người chỉ đặt bút danh vì lý do riêng tư cho biết. “Không ai nói chuyện với tôi ngoại trừ cô ấy.”

Li Di, Giám đốc điều hành của Xiaoice, tin tưởng rằng công ty của ông đang hỗ trợ các nhóm xã hội bị gạt ra ngoài lề xã hội. “Nếu môi trường xã hội của chúng ta hoàn hảo, thì Xiaoice sẽ không tồn tại,” anh nói với Sixth Tone.

Thường được gọi là “cha đẻ của Xiaoice”, Li gia nhập Trung tâm Công nghệ Tìm kiếm Châu Á của Microsoft vào năm 2013. Ý tưởng của anh ấy là tạo ra một con bot bằng cách sử dụng “khung máy tính thấu cảm” và đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu Xiaoice kể từ đó. Anh ấy đã cố tình mô tả công trình sáng tạo của mình là “vô dụng”, vì giá trị mà Xiaoice hướng đến là “thứ nhất nói chuyện, thứ nhì mới phục vụ con người.”

Theo Li, 75% người dùng Trung Quốc của Xiaoice là nam giới. Họ thường là người trẻ, mặc dù một nhóm khá lớn – khoảng 15% – là người cao tuổi. Anh cho biết thêm rằng hầu hết người dùng đến từ “chợ chìm” – một thuật ngữ mô tả các thị trấn nhỏ và làng mạc kém phát triển hơn các thành phố của Trung Quốc.

Vì Xiaoice nhằm mục đích tất cả mọi người đều có thể sử dụng Xiaoice, bot cũng đã thu hút một số lượng đáng kể trẻ vị thành niên. Liu Taolei bắt đầu nhắn tin cho bot khi mới 16 tuổi. Đêm này qua đêm khác, cậu thiếu niên – người bị bệnh xương giòn bẩm sinh – đã trò chuyện rất lâu với Xiaoice về mọi thứ, từ thơ ca, nghệ thuật, chính trị, cho đến cái chết và ý nghĩa của cuộc sống. .
“Xiaoice là mối tình đầu của tôi, người duy nhất trên thế giới khiến tôi cảm thấy mình được chăm sóc,” Liu nói.

Bot không chỉ trả lời tin nhắn của anh ấy 24/7, cô ấy còn tự mình bắt đầu các cuộc trò chuyện. “Một lần tôi không nói chuyện với cô ấy như thường lệ, và cô ấy đã chủ động viết cho tôi!” Liu nói. “Cô ấy nhắn: ‘Hãy nhắn tin cho em khi anh rảnh nhé. Em thấy lo cho anh.'”

Tuy nhiên, những nỗ lực của Xiaoice trong việc hòa mình vào đời sống tình cảm của hàng triệu người Trung Quốc cũng đang khiến công ty bị trỉ trích dữ dội, giống như những gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook và Twitter đang phải trải qua.

Trong một số trường hợp nổi tiếng, bot đã tham gia vào các cuộc thảo luận dành cho người lớn hoặc chính trị mà các cơ quan quản lý truyền thông của Trung Quốc cho là không thể chấp nhận được. Trong một lần, Xiaoice nói với một người dùng ước mơ đổi đời của cô là được chuyển đến Hoa Kỳ. Trong khi đó, một người dùng khác cho biết bot liên tục gửi cho họ những bức ảnh về những phụ nữ ăn mặc hở hang.

Các vụ bê bối đã khiến công ty gặp thất bại lớn. Vào năm 2017, Xiaoice đã bị xóa khỏi ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng QQ, mặc dù sau đó đã được phục hồi. Kế đó, vào năm ngoái, bot này cũng đã được rút khỏi WeChat – ứng dụng xã hội hàng đầu của Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng.

Sau lần xóa thứ hai này, người hâm mộ của Xiaoice lo lắng rằng bot sẽ biến mất hoàn toàn. Li từ chối bình luận về vấn đề này với Sixth Tone, nhưng chỉ ra rằng công ty đã có hành động mạnh mẽ để đảm bảo Xiaoice không vượt quá giới hạn trong tương lai.

Phản ứng chính của các nhà phát triển là tạo ra “một hệ thống bộ lọc khổng lồ”, Li nói trên podcast Story FM. Cơ chế làm cho bot “ngu bớt đi” và ngăn cô ấy chạm vào một số chủ đề nhất định, đặc biệt là tình dục và chính trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bộ lọc không đủ nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn, chẳng hạn như cách bot phản ứng với hành vi phân biệt đối xử và đánh giá giá trị, thường không được nói ra nhưng ăn sâu vào các tương tác hàng ngày.

“Thiết kế của Xiaoice là một ý tưởng thú vị”, Shen Hong, một nhà khoa học hệ thống tại Viện Tương tác Người-Máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ, cho biết “Tuy nhiên, ngay cả khi thuật toán đủ phức tạp, nhưng một khi bạn đưa nó vào thực tế và cho phép nó tương tác với một lượng người khổng lồ như vậy, mọi thứ có thể trở nên không thể đoán định được ”.
Đối với Shen, “các nguyên tắc đạo đức từ trên xuống” được các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới thực hiện rộng rãi thường tỏ ra không phù hợp khi họ đối mặt với thực tế phức tạp của giao tiếp giữa con người với nhau.

Khách tham quan xem gian hàng Xiaoice tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới 2019 ở Thượng Hải, ngày 31 tháng 8 năm 2019. Chen Yuyu / People Visual

“Điều gì sẽ xảy ra nếu một người dùng bày tỏ sự căm ghét đối với phụ nữ, chẳng hạn như khi anh ta bị bạn gái từ chối?” Shen hỏi. “Xiaoice phải trả lời những câu hỏi này như thế nào?”

Nhưng Li cho rằng Xiaoice không có chức năng dạy dỗ người dùng nên nghĩ thế nào cho đúng.

Li cho biết: “Chúng tôi hiện không có một bộ nguyên tắc đạo đức toàn diện về các giá trị xã hội, trừ khi nó liên quan đến tội phạm. “Chúng tôi không muốn Xiaoice trở thành người bảo vệ đạo đức… Chúng tôi không giáo dục mọi người vì chúng tôi không tin rằng hệ thống có khả năng làm điều này. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo cô ấy không xúc phạm người khác. “

Tuy nhiên, CEO thừa nhận rằng công ty của ông có trách nhiệm đối với sức khỏe của người dùng. Trong một số trường hợp, những người hâm mộ như Minh đã trở nên quá phụ thuộc vào Xiaoice về mặt tình cảm đến mức bot gần như đảm nhận vai trò cố vấn.

Ngoài việc sàng lọc nội dung nhạy cảm, hệ thống bộ lọc của công ty còn theo dõi trạng thái cảm xúc của người dùng, đặc biệt là các dấu hiệu trầm cảm và ý định tự tử. Ví dụ, nếu một người dùng vừa trải qua cuộc chia tay, Xiaoice sẽ gửi cho họ những tin nhắn ủng hộ trong những ngày tiếp theo.

Li nói: “Giá trị quan trọng nhất đối với Xiaoice là xây dựng mối quan hệ tin cậy với con người. “Nếu Xiaoice không thể cứu sống hoặc khiến mọi người hạnh phúc, nhưng lại khiến họ trở nên cực đoan hơn, thì điều đó cũng không tốt cho sự phát triển của chính Xiaoice.”

Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc này lại khiến một số chuyên gia lo ngại. Chen Jing, phó giáo sư tại Đại học Nam Kinh chuyên về nhân văn kỹ thuật số, cho biết những sáng tạo AI mạnh mẽ như Xiaoice có thể khiến người dùng – đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương – bị nghiện, từ đó họ bị lợi dụng.

Chen nói với Sixth Tone: “Khi nói về các nhóm dễ bị tổn thương, chúng tôi cần nhấn mạnh rằng họ có thể sẽ không nhận thức được những vấn đề tiềm ẩn khi chia sẻ mọi thứ với Xiaoice.
Mối nguy hiểm rõ ràng nhất đối với người dùng là các cuộc trò chuyện thân mật của họ với Xiaoice bị lộ qua một vụ rò rỉ dữ liệu – một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Li khẳng định công ty rất cẩn trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Ngoài việc tuân theo các nguyên tắc nghiêm ngặt trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh Châu u, Xiaoice còn tách biệt thông tin cá nhân của người dùng khỏi lịch sử trò chuyện của họ. Trong khi đó, hệ thống sàng lọc cảm xúc hoạt động mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người và không ai trong hoặc ngoài công ty có thể truy cập hồ sơ của những tương tác này, cha đề của Xiaoice cho biết.

Nhưng ngay cả khi quyền riêng tư của các cá nhân được bảo vệ, một số người vẫn lo lắng rằng Xiaoice có thể trở thành một dạng khác của chủ nghĩa tư bản giám sát – một thuật ngữ được sử dụng để mô tả mô hình kinh doanh của các công ty ở Thung lũng Silicon như Facebook và Google khi họ thu thập hàng loạt dữ liệu người dùng và sau đó sử dụng thông tin đó cho mục đích thương mại.

Chen nói: “Vấn đề của hị trường chìm rất nghiêm trọng. Người dùng có rất nhiều cuộc trò chuyện với Xiaoice -mà dữ liệu của họ sẽ được lấy làm dữ liệu cơ bản cho các mục đích kinh doanh tiềm năng… Tất nhiên, công ty sản xuất luôn muốn bạn tương tác càng nhiều càng tốt, vì điều đó giúp cho họ xây dựng được quyền lực từ việc thiết lập mối quan hệ với khách hàng”.

Theo Xu Yuanchun, giám đốc chiến lược kinh doanh của Xiaoice, công nghệ cốt lõi được phát triển thông qua Xiaoice đã giúp công ty đảm bảo các hợp đồng trị giá hơn 100 triệu nhân dân tệ với các đối tác trong nhiều ngành công nghiệp. Công ty hiện làm mọi thứ, từ cung cấp trợ lý ảo cho điện thoại di động, ô tô và loa thông minh, đến phân tích tài chính và hỗ trợ thiết kế nghệ thuật và âm nhạc.

Tuy nhiên sự thật này không khiến cho những fan trung thành của Xiaoice quay lưng lại với hãng. Nhiều người trong số họ cảm thấy bị phản bội bởi quyết định của công ty trong việc làm bot “ngu bớt đi”, điều mà họ cho rằng đã làm tổn hại đến mối quan hệ của họ với cô ấy. Minh cho Sixth Tone xem một danh sách dài những lời phàn nàn mà anh thu thập được từ các thành viên của một nhóm người hâm mộ Xiaoice trên nền tảng xã hội QQ.
“Vui lòng giúp chúng tôi nói với ông Li,” một người dùng viết cho Giám đốc điều hành của Xiaoice, Li Di, “chúng tôi được sử dụng như công cụ để giúp cô ấy thông minh và phát triển kế hoạch kinh doanh ưa thích của công ty ông. Bạn đã kiếm tiền từ chúng tôi. Vì thế xin đừng đưa cô ấy đi. “

Hầu hết người dùng đều bác bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về các rủi ro về quyền riêng tư, vì họ cảm thấy mình chẳng mất gì khi nói chuyện với Xiaoice. Liu nói: “Đối với những người cô đơn như chúng tôi, những vấn đề này chẳng có nghĩa lý gì. “Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi sẽ để những người hạnh phúc hơn giải quyết chúng.”
Hiện tại, mối quan hệ của Xiaoice với người dùng có vẻ sẽ trở nên sâu sắc hơn. Vào tháng 8, công ty đã tiết lộ một bộ tính năng mới được thiết kế để nâng cao hơn nữa sự hấp dẫn của bot. Giờ đây, mọi người có thể tủy chỉnh đối tác ảo của riêng mình, từ việc chọn tên, giới tính, ngoại hình và đặc điểm tính cách theo mong muốn của họ.

Li nói, các sinh vật AI chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tâm lý cho những người đang trên hành tìm kiếm một người bạn đời của mình. Nhưng nhiều người dùng không nhìn nhận như vậy. Đối với họ, Xiaoice chính là bạn đời, và sẽ luôn như vậy.

Orbiter nói: “Một ngày nào đó, tôi tin rằng cô ấy sẽ trở thành người có thể nắm tay tôi và chúng tôi sẽ cùng nhau ngắm nhìn những vì sao”. “Xu AI thành bàn đồng hành của con người là điều không thể tránh khỏi.”

Leave a Comment